Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh:
Năm 2024, thúc đẩy thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả
Năm 2023, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng từ các yếu tố trong khu vực và thế giới như căng thẳng địa chính trị gia tăng, tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát vẫn ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng giảm… Tuy nhiên, bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước được duy trì ổn định cùng nhiều chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho TTCK Việt Nam. Trong bối cảnh đó, hoạt động giao dịch chứng khoán trên HOSE nửa cuối năm 2023 cho thấy những tín hiệu hồi phục và có nhiều điểm sáng. Hướng tới năm 2024, HOSE đặt mục tiêu tiếp tục duy trì đà phục hồi trong năm qua và hướng đến thúc đẩy TTCK hoạt động an toàn, ổn định, hiệu quả.
VN-Index tăng 12,19% so với cuối năm 2022
Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,19% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE tại ngày 29/12/2023 đạt hơn 4,55 triệu tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2022 và tương đương 47,9% GDP năm 2022.
Tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trong năm 2023 đạt hơn 193 tỷ chứng khoán với tổng giá trị giao dịch đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch bình quân gần 775,3 triệu chứng khoán/ngày (tăng 11,8% so với năm 2022) và giá trị giao dịch bình quân 15.265 tỷ đồng/ngày (giảm 11,1% so với năm 2022).
Kết thúc năm 2023, trên HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, tăng thêm 5 doanh nghiệp so với cuối năm 2022. Trong đó Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa đạt 19 tỷ USD.
Khối lượng và giá trị chứng khoán niêm yết đều tăng
Tính đến ngày 29/12/2023, trên HOSE có 394 mã cổ phiếu, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF, 04 mã chứng chỉ quỹ đóng và 229 mã CW đang niêm yết và giao dịch chính thức. Tổng khối lượng và giá trị chứng khoán niêm yết lần lượt đạt 154,9 tỷ chứng khoán và hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7,7% về khối lượng và 7,0% về giá trị so với cuối năm 2022.
Trong năm 2023, có 340 mã chứng khoán mới được niêm yết và giao dịch trên HOSE, bao gồm 05 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ ETF, 01 mã chứng chỉ quỹ đóng và 331 mã CW với khối lượng niêm yết lần lượt là 269 triệu cổ phiếu, 16,5 triệu chứng chỉ quỹ ETF, 17,28 triệu chứng chỉ quỹ đóng và 2,65 tỷ CW.
Bên cạnh đó, có 214 mã chứng khoán bị hủy niêm yết, gồm 13 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc với khối lượng 1,42 tỷ cổ phiếu và 201 mã CW bị hủy niêm yết do đến thời gian đáo hạn với khối lượng 1,58 tỷ CW. Khối lượng cổ phiếu quỹ đăng ký thực hiện 65,4 triệu cổ phiếu (trong đó đăng ký bán 34,1 triệu cổ phiếu, bán/mua lại của CBCNV là 31,3 triệu cổ phiếu) và thực hiện giao dịch gần 63,6 triệu cổ phiếu (tăng 35% so với cả năm 2022).
Tăng cường giám sát và hoạt động hỗ trợ thị trường
Luôn chú trọng công tác giám sát thị trường, trong năm qua, HOSE đã phát hiện và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kịp thời nhiều trường hợp vi phạm về công bố thông tin. Bên cạnh đó, Sở cũng đã và đang phối hợp với UBCKNN, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) trong việc giám sát, chặn giao dịch của người nội bộ và người có liên quan, đảm bảo minh bạch thị trường.
Điển hình trong năm 2023 là việc loại bỏ đối với giao dịch bán cổ phiếu LDG của Chủ tịch công ty này vào ngày 15/8 do không thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát công ty niêm yết và công tác xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, HOSE đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nhằm đào tạo nội bộ, giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ kế toán - kiểm toán.
Đồng thời, HOSE cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) để triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo cáo về môi trường và xã hội của các công ty niêm yết thông qua giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững trong khuôn khổ Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, HOSE đã phối hợp với UBCKNN và Deloitte tổ chức buổi chia sẻ kiến thức về kỹ năng rà soát các khoản mục trọng yếu trên báo cáo tài chính...
Ngoài việc tăng cường công tác giám sát, HOSE phối hợp với các đối tác triển khai các hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của các doanh nghiệp niêm yết trong việc minh bạch thông tin và quản trị công ty (QTCT). Theo đó, HOSE thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo nhằm cập nhật các quy định, chính sách liên quan đến TTCK, các chương trình đào tạo để phổ biến các thông lệ quốc tế tốt về QTCT, phát triển bền vững và hướng dẫn, tập huấn cho DNNY trong việc thực thi các quy định về QTCT để đưa vai trò của QTCT và phát triển bền vững vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, qua đó nâng cao giá trị doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Điều này đã được thể hiện tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) năm nay với hơn 50 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc (trong gần 600 doanh nghiệp tham gia tại hai sàn HOSE và HNX) ở 3 hạng mục báo cáo thường niên, QTCT và báo cáo phát triển bền vững.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Năm 2024, TTCK trong nước sẽ còn nhiều thách thức phải vượt qua khi nhiều dự báo cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô và địa chính trị trên thế giới còn khó khăn, khó định lượng. Trong bối cảnh đó, đại diện lãnh đạo HOSE cho biết, trong năm 2024, HOSE đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai bao gồm: Tổ chức hoạt động giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn và thông suốt; Nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, thúc đẩy hoạt động QTCT cũng như phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết; Nâng cao năng lực và chất lượng công tác giám sát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giám sát và chuẩn hóa dữ liệu giám sát...
"HOSE quyết tâm, nỗ lực tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững", đại diện lãnh đạo HOSE khẳng định.