Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam:

Nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ phù hợp để bảo đảm vai trò chỉ đạo, chi phối


Tiếp tục tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán theo mô hình tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), đó là mục tiêu được đề cập trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập SGDCK Việt Nam. Theo đó, SGDCK Việt Nam được thiết kế với vai trò là công ty mẹ và được tổ chức theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ phù hợp để bảo đảm giữ vai trò chỉ đạo, chi phối.

SGDCK Việt Nam sẽ giám sát thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
SGDCK Việt Nam sẽ giám sát thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Luật hóa quy định về thị trường GDCK

Theo đó, luật hóa quy định về thị trường GDCK phái sinh, thị trường giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần (CTCP), chứng khoán của các doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết (UPCoM)… để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao cho việc tổ chức thị trường này.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn ĐBQH về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó, về mô hình và tổ chức của SGDCK Việt Nam nhiều ý kiến đề nghị chỉ có SGDCK Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia.

Có ý kiến cho rằng cần thể chế vào dự thảo Luật mô hình SGDCK theo Đề án thành lập SGDCK Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 07/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ có 01 SGDCK duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức GDCK.

Sửa đổi tên gọi SGDCK thành SGDCK Việt Nam tại các điều, khoản liên quan. Đây là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản.

Mặt khác, những biến động về thị trường tại SGDCK Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, các vị đại biểu Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 42 của dự thảo Luật, theo đó SGDCK Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Mô hình và nhiệm vụ cơ bản của Sở GDCK Việt Nam

Sửa đổi quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của SGDCK theo hướng là pháp nhân thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc CTCP theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, quy định rõ đặc thù trong thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động của SGDCK. Sửa đổi, quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của SGDCK trong giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên giao dịch tại SGDCK, giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thành viên, tổ chức có chứng khoán niêm yết, giao dịch tại SGDCK…

SGDCK Việt Nam là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại trong nước; hạch toán độc lập, thực hiện chế độ tài chính, chế độ báo cáo thống kê, kế toán, kiểm toán và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Tên giao dịch quốc tế là Vietnam Stock Exchange (Tên viết tắt là VNX) và đặt trụ sở chính tại Hà Nội. Các công ty do SGDCK Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm: SGDCK Hà Nội và SGDCK TP. Hồ Chí Minh.

SGDCK Việt Nam có nhiệm vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm. Sở này sẽ xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, thành viên giao dịch và các quy chế nghiệp vụ khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

SGDCK Việt Nam sẽ giám sát thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật; giám sát SGDCK TP. Hồ Chí Minh, SGDCK Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý thành viên giao dịch và làm trung gian hoà giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.

Vốn điều lệ của SGDCK Việt Nam đến năm 2023 là 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của SGDCK TP. Hồ Chí Minh đến năm 2023 là 2.000 tỷ đồng; vốn điều lệ của SGDCK Hà Nội đến năm 2023 là 1.000 tỷ đồng.

Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ quyết định việc điều chuyển vốn đầu tư giữa SGDCK Việt Nam và SGDCK Hà Nội, SGDCK TP. Hồ Chí Minh. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của SGDCK Việt Nam thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, SGDCK Việt Nam bao gồm: Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Ban kiểm soát và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn. Trường hợp Luật Chứng khoán (sửa đổi) có thay đổi thì cơ cấu tổ chức bộ máy của SGDCK Việt Nam thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh bao gồm: Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên và các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn.