Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi):

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ có 01 sở giao dịch chứng khoán duy nhất


Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại phiên họp chiều ngày 12/8/2019, một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là quy định chỉ có 01 sở giao dịch chứng khoán duy nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Nguồn: internet
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Nguồn: internet

Bổ sung quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trong đó, về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện có 03 phương án: Phương án 1 quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; Phương án 2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán; Phương án 3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án 2. Phương án này đảm bảo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tương đối tính độc lập, quản lý và giám sát toàn diện thị trường, phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán, khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) và quy định của các nước có cơ quan quản lý chứng khoán nằm trong Bộ Tài chính (như Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha) và giữ được ổn định, không làm xáo trộn về bộ máy tổ chức.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế, ổn định thị trường tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính là người chịu trách nhiệm trong quản lý tổng thể thị trường tài chính. Vì vậy trong bối cảnh hiện nay, phương án 1 là phù hợp cho mô hình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Cùng quan điểm lựa chọn phương án 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Việt Nam có những đặc điểm riêng biệt, không phải lúc nào cũng tương đồng với thông lệ quốc tế, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phải tham mưu để tăng thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tạo đủ điều kiện cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoạt động trong bối cảnh hội nhập.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình các nội dung thảo luận. Nguồn: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình các nội dung thảo luận. Nguồn: QH

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất với phương án 1 về vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, sẽ bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như: Quyền xây dựng văn bản pháp luật, chiến lược phát triển để trình cấp có thẩm quyền ban hành; trực tiếp quản lý giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán; giám sát các tổ chức xã hội nghề nghiệp về chứng khoán; chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của sở sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán và các công ty con; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thị trường chứng khoán… theo hướng phù hợp với pháp luật hiện hành và xu hướng cải cách.

Chỉ có 01 sở giao dịch chứng khoán duy nhất

Về mô hình của Sở Giao dịch chứng khoán, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí chỉ có 01 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất và đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán. Phương án này bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả của thị trường, minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tán thành phương án một sở và hai sàn, việc đặt Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ở đâu là do Chính phủ quyết định. Bộ trưởng cho biết, theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ được đặt ở Hà Nội để phù hợp với việc quản lý, điều hành, giám sát, ứng phó với các tình huống bất thường.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, để ổn định thị trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên quan điểm về vị trí của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như đã nêu tại kỳ họp 33. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn trực thuộc Bộ Tài chính và được bổ sung thêm một số quyền hạn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, đồng thời giữ nguyên mối quan hệ giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính như hiện nay.

Về mô hình sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chỉ có 01 Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, vị trí do Chính phủ quyết định và không quy định trong Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng theo hướng: “Chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp” và giao Chính phủ hướng dẫn đối với nội dung này.

Về ngân hàng thanh toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định hiện hành và giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu lộ trình đối với việc chuyển giao các chức năng thanh toán chứng khoán từ ngân hàng thương mại tập trung về Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, việc thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán được thực hiện tại 03 ngân hàng (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đối với giao dịch chứng khoán phái sinh; Ngân hàng Nhà nước đối với giao dịch trái phiếu Chính phủ).