Nắm vững chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo để làm tốt công tác tôn giáo
Cần nắm vững chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đổi mới nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, có kiến thức nhất định và sự hiểu biết về lịch sử, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, phong tục, tập quán của các tôn giáo.
Đảng ta khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.
Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước.
Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề công tác tôn giáo năm 2021 vừa diễn ra hôm 17/12, các đại biểu được nghe giới thiệu các chuyên đề gồm tình hình các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và một số trọng tâm công tác tôn giáo của Mặt trận thời gian tới; Những điểm cần lưu ý về nội dung, phương thức vận động tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tổ chức Giáo hội, tổ chức xã hội tôn giáo; tình hình Công giáo hiện nay và một số vấn đề cần chú ý trong công tác vận động, đoàn kết Công giáo; tình hình đạo Tin Lành hiện nay và một số vấn đề cần chú ý trong công tác vận động, đoàn kết đạo Tin Lành.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với đa số là người lao động, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các tôn giáo, nhất là vai trò của chức sắc, nhà tu hành, chức việc và trí thức tôn giáo; phối hợp cùng các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong vùng đồng bào có đạo.
Trong đó, Mặt trận các cấp đã tăng cường tập hợp các tổ chức tôn giáo được công nhận có đủ điều kiện theo quy định tham gia làm thành viên của Mặt trận; tập hợp, thu hút các cá nhân tiêu biểu tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chấp hành các đoàn thể nhân dân và cơ quan dân cử ở các cấp với số lượng, cơ cấu phù hợp để bảo đảm tính đại diện của các tôn giáo trong Mặt trận, đoàn thể nhân dân và cơ quan dân cử.
Tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân
Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao cả với đất nước, với nhân dân, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động các tôn giáo phòng, chống dịch, kết nối, chia sẻ thông tin, cổ vũ các tôn giáo ở Việt Nam tích cực tham gia phòng, chống dịch với nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, lay động lòng người, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam.
Để công tác tôn giáo của Mặt trận, đoàn thể luôn đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, mỗi cán bộ Mặt trận, đoàn thể làm công tác tôn giáo cần nắm vững chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đổi mới nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, có kiến thức nhất định và sự hiểu biết về lịch sử ra đời, giáo lý, giáo luật, lễ nghi, phong tục, tập quán của các tôn giáo.
Bên cạnh đó, cần nắm chắc nội dung chủ trì, nội dung tham gia của Mặt trận để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong công tác tôn giáo và có khả năng phối hợp chặt chẽ các cơ quan làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các cấp. Từ đó đề xuất, tham mưu góp ý giải quyết việc liên quan đến tôn giáo bảo đảm đúng pháp luật, hài hòa, ổn định, không nảy sinh phức tạp.