Nhận thức về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo của Đảng trước thời điểm đổi mới

Theo TS. Ngô Quốc Đông/thanhtra.com.vn

Bài viết này nhằm tổng kết lại quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguồn lực tôn giáo và phát huy nguồn lực tôn giáo. Vấn đề này được xem xét qua các thời kỳ cách mạng cho đến nay, qua đó cho thấy cách thức phát huy nguồn lực tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta khác nhau ở những hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhất định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rõ ràng, cách nhận thức về nguồn lực cũng như yêu cầu phát triển đất nước của mỗi thời kỳ là khác nhau. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, tôn giáo ngày càng thể hiện là một nguồn lực tích cực trên nhiều phương diện.

Thực tế đó, rõ ràng đặt ra yêu cầu cần phải nhận diện rõ hơn các giá trị và nguồn lực tôn giáo, để từ đó tiếp tục đổi mới tư duy, chính sách, phát huy nguồn lực đặc biệt này cho công cuộc phát triển đất nước.

Có nhiều cách hiểu và tiếp cận về nguồn lực tôn giáo. Khi nói tôn giáo là một nguồn lực của sự phát triển, đòi hỏi phải xem tôn giáo trong tính tổng thể của nó, tức không chỉ nhìn ở góc độ niềm tin, tâm lý, ý thức, tình cảm, mà cần nhìn nhận tôn giáo là một thực thể đang tồn tại, với toàn bộ hệ giá trị của nó, có vận động và phát triển tương tác với các thiết chế xã hội khác.

Với cách đặt vấn đề như vậy, có thể hiểu phát huy nguồn lực tôn giáo là việc Nhà nước thông qua hệ thống chính sách của mình, trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khai thác, sử dụng những giá trị vật chất và tinh thần của tôn giáo một cách thích hợp, để các cá nhân và tổ chức tôn giáo có thể tham góp tích cực vào công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Người khởi xướng việc nhận thức tôn giáo như một nguồn lực và phát huy nguồn lực tôn giáo, mở đường cho chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta sau năm 1945 trước tiên phải kể đến Hồ Chí Minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Hồ Chí Minh với đường lối cách mạng đúng đắn đã xác định rõ quần chúng tôn giáo cũng là một lực lượng của cách mạng và không bị xem là “đối tượng cách mạng”. 

So với các nhà cách mạng trước đónhận thức này của Hồ Chí Minh cũng đã nhìn nhận quần chúng tôn giáo như một nguồn lực của việc đại đoàn kết cho phong trào cách mạng Việt Nam[1].

Để thấy rõ sự vượt lên về quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn giáo so với các bậc tiền nhân đi trước trong việc xác định tôn giáo mà cụ thể là tín đồ các tôn giáo là “nguồn lực của cách mạng và kháng chiến” chúng ta có thể trở về một số văn bản gốc của Hồ Chí Minh viết trong giai đoạn này: Trong thư kêu gọi tổng khởi nghĩa, Hồ Chí Minh viết: “… Trong Việt Minh, đồng bào ta bắt tay nhau chặt không phân biệt trai gái, già trẻ, lương, giáo, giàu nghèo”[2].

Lời kêu gọi đoàn kết toàn dân chống lại sự tái chiếm của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”[3].

Việc không tách quần chúng tôn giáo ra khỏi phong trào cách mạng giúp xoá nhoà mặc cảm của nhiều tín đồ Công giáo về những quá khứ lịch sử không tốt đẹp với dân tộc, để trở thành một lực lượng hăng hái tham gia ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Chính phủ Việt Minh.

Sử liệu còn ghi: “Ngay đêm trước của cuộc cách mạng tại căn cứ Việt Bắc, khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào, người ta thấy, trong 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc, đại biểu từ Bắc, Trung, Nam có cả đại biểu các dân tộc và tôn giáo.”[4]

Rõ ràng, trong thời điểm chiến tranh, cách mạng, những người Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, đã không tách đồng bào tôn giáo ra khỏi cộng đồng dân tộc, trái lại còn tạo điều kiện cho họ trở về với dân tộc bằng việc phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp cách mạng và chiến tranh giải phóng dân tộc. Sự tham gia vào thực tiễn cách mạng của đồng bào tôn giáo giáo chính là việc họ tham gia kháng chiến và tham gia vào các tổ chức cách mạng.

Khi tổng kết lại đóng góp của người Công giáo trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bắc Bộ những năm 1946-1954, Đảng ta nhận định: “Trong 8 năm kháng chiến, kinh nghiệm cho ta thấy rằng nhiều đồng bào Công giáo yêu nước được ta chú trọng giúp đỡ họ có một tổ chức để hoạt động thì họ đóng góp được rất nhiều thành tích vào công cuộc kháng chiến của dân tộc như Ủy ban Liên lạc Công giáo kháng chiến khu 3 và tả ngạn.”[5]

Người ta thấy rõ việc tập hợp người Công giáo tham gia kháng chiến ở trong điều lệ của Việt Minh, trong lời kêu gọi kháng chiến, và thư của Cụ Hồ gửi những người Công giáo trong các dịp lễ Tết.

Trong các tài liệu này, những cụm từ không tách rời nhau như hai vế của một cặp phạm trù được nhắc đến nhiều như: kính Chúa - yêu nước, Thiên Chúa - Tổ quốc, Tổ quốc độc lập - Tôn giáo tự do, Đạo - Đời…

Nhờ có quan điểm đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách phù hợp của Nhà nước mà Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được “nguồn lực tôn giáo” đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, tiến hành cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ chủ nghĩa xã hội.

Chính vì vậy, việc phát huy nguồn lực tôn giáo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thực hiện trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, chứ không phải mãi đến sau khi đổi mới chúng ta mới thực hiện việc này.

Nhìn lại việc phát huy nguồn lực tôn giáo giai đoạn này có thể rút ra mấy đặc điểm sau:

Thứ nhất, việc phát huy nguồn lực tôn giáo được đặt trong một nhiệm vụ cao cả của dân tộc đó là đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nguồn lực tôn giáo được nhấn mạnh tới việc đoàn kết các lực lượng tôn giáo kháng chiến, kiến quốc.

Việc phát huy nguồn lực dựa trên vai trò cá nhân người đứng đầu Nhà nước với các chức sắc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo. Có thể thấy rõ điều này qua ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với một số chức sắc tôn giáo, như: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Linh mục Phạm Bá Trực, Giám mục Lê Hữu Từ (Công giáo), ông Cao Triều Phát (Cao Đài), Mục sư Lê Văn Thái (Tin lành)…

Thứ hai, sau cục diện chia cắt đất nước làm hai miền ở thời điểm 1954, có một điểm nhấn trong nhận thức về nguồn lực và phát triển nguồn lực tôn giáo trong thời kỳ này được thể hiện qua Sắc lệnh 234 Hồ Chí Minh ký ngày 14/06/1955 về tín ngưỡng [6].

Sắc lệnh này đã không chỉ nhìn tôn giáo ở góc độ đoàn kết nữa mà đã nhấn mạnh tới yếu tố nguồn lực kinh tế, giáo dục của tổ chức tôn giáo[7]. Tất nhiên sắc lệnh này chỉ có hiệu lực trong thời gian khoảng hơn 4 năm.

Thứ ba, từ giai đoạn cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc[8] cho đến trước thời điểm đổi mới, các nguồn lực tôn giáo chưa được chú trọng. Việc phát huy nguồn lực trong thời kỳ này vẫn chủ yếu là hướng đồng bào các tôn giáo trong chính sách đại đoàn kết dân tộc, chống lợi dụng tôn giáo. Do đó nguồn lực này chưa được khơi thông và phát huy tốt nhất. Sở dĩ giai đoạn này có đặc điểm như trên là vì:

1. Trong giai đoạn này, có việc nhìn nhận, đánh giá tôn giáo dựa nhiều trên bình diện ý thức hệ, do đó không chú ý tới các giá trị thực thể của một tôn giáo, nhất là khía cạnh văn hóa, di sản. Thậm chí có thời kỳ còn hạn chế đi các cơ sở vật chất của tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho tín ngưỡng, tôn giáo suy giảm đi vai trò trong xã hội[9].

2. Đây là giai đoạn đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, việc đề cao ý thức phòng thủ, cảnh giác thù trong giặc ngoài và việc chú trọng cải tạo đi các tàn dư của xã hội cũ, trong đó tín ngưỡng, tôn giáo đã hạn chế việc phát huy nguồn lực tôn giáo.

3. Đây là thời kỳ đầu xác lập các nguyên tắc thế tục giữa Nhà nước và tôn giáo. Trong đó để hạn chế đi sự tham dự của tôn giáo và thiết chế chính trị, giáo dục và các dịch vụ công. Sự xác lập những nguyên tắc này đã quá chú trọng tới việc coi tôn giáo là một vấn đề cá nhân, riêng tư và làm giảm đi các tương tác của thiết chế tổ chức tôn giáo với các thiết chế chính trị xã hội khác, nhấn mạnh quá vào các nguyên tắc chính trị, dẫn đến các nguồn lực tôn giáo ít được phát huy, sử dụng.

4. Khái niệm nguồn lực của tôn giáo thời kỳ này được nhìn trong việc đoàn kết dân tộc, mới nhìn ở góc độ chính trị. Nguồn lực tôn giáo chưa được nhìn nhận từ góc độ văn hóa, xã hội.

----------------------------

CHÚ THÍCH:

[1] . Trước Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là người sớm lý giải cho người Công giáo thấy được Kính Chúa phải gắn với yêu nước, nhưng Phan Bội Châu mới chỉ xếp người Công giáo vào diện “mười hạng đồng tâm”. Còn nhà Nguyễn, nhất là thời vua Minh Mạng trị vì, hầu như Công giáo bị xem như là một “đối tượng” quan tâm đặc biệt của nhà cầm quyền phong kiến lúc đó. 21 năm trị vì (1820-1840), Minh Mạng đã ra 6 chỉ dụ cấm đạo, vào các năm 1825,1826,1833, 1836,1838, 1839. Trong 117 thánh tử vì đạo thì có 58 thánh dưới thời Minh Mạng.

[2] . Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr. 131.

[3] . Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo tín ngưỡng, sđd, tr. 149.

[4] . Lịch sử, Quốc hội Việt Nam 1946 -1960, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr .19.

[5] . Thông tri số 01 năm 1955 của Ban Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng.

[6] . Trong bối cảnh lúc đó khái niệm tín ngưỡng bao gồm cả tôn giáo, tự do tín ngưỡng cũng được hiểu là tự do niềm tin tôn giáo.

[7] . Cụ thể Chương 2, Sắc lệnh có 2 điều như sau:

“Điều 8: Các tổ chức của các tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hoá, xã hội đều được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyền chuẩn y chương trình, điều lệ.

Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và được pháp luật bảo hộ.

Điều 9: Các tôn giáo được phép tổ chức mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học.”

Cũng nên lưu ý, Sắc lệnh 234 này được ban hành trong thời điểm miền Bắc trong thời kỳ khôi phục kinh tế khoảng từ 1955-1957. Đây là thời kỳ chính sách kinh tế, xã hội khá “thông thoáng” chưa bước vào thời kỳ cải tạo kinh tế từ 1958.

[8] Được tính từ năm 1958.

[9] . Thời kỳ thập niên 60-70 của thế kỷ trước nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được giải thể, dỡ bỏ, chuyển đổi. Có thể thấy rõ trong lĩnh vực đình, chùa.