Nâng bội chi lên 5,3%, Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng

Trường Lục

(Tài chính) Đây là thông tin “nóng” được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam công bố và xác nhận tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013, diễn ra ngày 29/9 tại Hà Nội.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) nhằm hỗ trợ cho GDP trong năm 2014, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án nâng trần bội chi ngân sách từ mức 4,8% năm 2013, lên 5,3% trong năm 2014.

Nguyên nhân nâng bội chi lên 5,3%

Tại buổi họp báo, ngoài các vấn đề (chống thất thu ngân sách, lộ trình cổ phần hóa, tư nhân hóa các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước…) được báo giới quan tâm đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Vũ Đức Đam, còn có vấn đề thu chi ngân sách trong thời gian qua được Bộ trưởng dành nhiều thời gian nói đến.

Điều đáng nói là Bộ trưởng đã nêu ra thực tế hiện nay là thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn đang khiến rất nhiều công trình xây dựng dở dang không đủ vốn để triển khai tiếp.

“Năm 2013 thu ngân sách được khoảng 100 đồng, thì chi cho đầu tư công còn có 19 đồng, trong khi các năm trước đó mức chi thường là 30 - 40 đồng”, Người phát ngôn Chính phủ dẫn chứng.


Nâng bội chi lên 5,3%, Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng - Ảnh 1

Chính phủ trình Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3% do sức ép lên ngân sách từ các khoản chi cho đầu tư công và chi tiền lương rất lớn. Nguồn: Internet

Một lý do khác đang gia tăng sức ép lên ngân sách là vấn đề chi trả tiền lương. Bộ trưởng phân tích, nếu ngân sách thu được 100 đồng thì phần dành cho trả nợ khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát triển khoảng 20%, cộng lại là 35%; còn lại là 65% là chi thường xuyên trong đó khoảng một nửa là chi cho lương công chức, viên chức, chi cho người có công…

Khó khăn khác được Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu ra là yêu cầu đầu tư công hiện nay rất lớn. Từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến vùng sâu, vùng xa nhất thì ở đầu cũng có nhu cầu đầu tư vào điện, đường, trường trạm, nước sạch sinh hoạt, xử lý rác thải…

“Thu ngân sách của chúng ta vẫn tăng nhưng mức tăng của ngân sách chưa đáp ứng được mức chi cho yêu cầu đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Trong khi đó, có nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao Nhà nước không kêu gọi được các thành phần kinh tế khác đầu tư vào để giảm bớt áp lực chi ngân sách. Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra một ví dụ điển hình về hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP), tức là khuyến khích tư nhân đầu tư nhưng để một mình tư nhân thì không đủ sức đầu tư, do đó, muốn có lãi thì Nhà nước phải hỗ trợ một phần.

Hơn nữa, theo tính toán, cứ bội chi 1% GDP, tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng nên với mức bội chi 4,8% năm 2013 thì tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của chúng ta khoảng 185.000 tỷ đồng, cộng với 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và một số khoản khác, là 230.000 tỷ đồng.

Theo định hướng điều hành, năm 2014, GDP sẽ tăng cao hơn năm nay nên để thực hiện được mục tiêu này, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách phải đạt khoảng 255.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ngay từ năm nay, cân đối thu - chi ngân sách đã gặp khó khăn, nên để bố trí được nguồn vốn trên, buộc phải tăng bội chi lên 5,3% và dành toàn bộ phần bội chi này cho đầu tư.

Theo đề xuất của Chính phủ, toàn bộ phần bội chi này nếu được Quốc hội thông qua, cộng với phần ngân sách thu được từ các nguồn sử dụng đất; khai thác, kinh doanh khoáng sản; kinh doanh xổ số kiến thiết sẽ được dành để chi cho đầu tư công.

Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tăng bội chi NSNN lên 5,3% trong năm 2014 sẽ gia tăng áp lực lên nợ công, nhất là hiệu quả đầu tư công hiện nay còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ khi đề ra bất kỳ biện pháp nào, chỉ tiêu nào đều cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Khi trình Quốc hội nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3%, Chính phủ đã xem xét đầy đủ các mối quan ngại trên cơ sở lấy ý kiến của các cơ quan tham mưu, các bộ, ngành hữu quan, cũng như tiếp thu các ý kiến của chuyên gia và ý kiến nhân dân qua báo chí.  

“Nâng mức trần bội chi lên 5,3% là Chính phủ đã tính đầy đủ để đảm bảo mức trần nợ công. Còn câu chuyện sử dụng nguồn vốn ấy tiết kiệm hay không thì không chỉ việc nâng lên 5,3% mới quan tâm, mà kể cả không bội chi thì cũng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, hiện nay, Việt Nam vẫn đang kêu gọi thu hút các nguồn vốn ODA nhưng ngay cả khi được các đối tác mời gọi cho vay với nhiều ưu đãi, chúng ta vẫn kiên quyết không vay cho các dự án kém hiệu quả…/.