Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thủy sản phục vụ xuất khẩu
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, sản lượng nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay của tỉnh đạt trên 14.500 tấn, hoàn thành trên 71% so với kế hoạch.
Được biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt trên 5,9 nghìn ha. Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Chi cục Thú y thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật thủy sản tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên động vật thủy sản.
Chi cục Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thực hiện định kỳ lấy hàng chục mẫu nước tại những khu vực có diện tích nuôi thủy sản lớn của Tỉnh để quan trắc chất lượng nước và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch cưỡng chế, sắp xếp các lồng bè nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện.
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tổ chức chuỗi liên kết sản xuất tạo nguồn nguyên liệu với sản lượng lớn, chất lượng cho thu mua, chế biến và tiêu thụ thủy sản đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Cùng với đó là mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các nhà máy chế biến sâu thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo quy mô lớn với công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu.
Tỉnh cũng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu, cụ thể như quản lý chặt chẽ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, giám sát chất lượng sản phẩm; hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn và phòng chống dịch bệnh; quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm. Xây dựng kho bảo quản đông lạnh nhằm lưu trữ nguồn thực phẩm để cung cấp cho tiêu dùng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; bảo quản nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến xuất khẩu.
Những năm qua, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho chế biến thủy sản xuất khẩu.
Liên quan đến việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của địa phương, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành “Kế hoạch thực hiện Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”.
Việc thực hiện Đề án nói trên nhằm thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh. Nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh nhằm đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó là tiếp tục xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm thủy sản có giá trị gia tăng, phục vụ xuất khẩu.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về sản xuất đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh; quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng, chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP, ISO...).
Thông tin kịp thời các quy định, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, biện pháp kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm, các quy định của thị trường nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận mã số vùng trồng cho doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường cung cấp thông tin phân tích và dự báo thị trường xuất khẩu, xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp nhằm cung cấp thông tin phục vụ định hướng sản xuất, gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại sản phẩm nông lâm thủy sản, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh biên soạn các ấn phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, sản phẩm chứng nhận OCOP, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của Tỉnh để giới thiệu, quảng bá tại các thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức phòng vệ thương mại, quy định thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản cho doanh nghiệp.