Thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA

Theo tapchicongsan.org.vn

Sau hai năm ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nhóm mặt hàng nông, thủy sản được hưởng nhiều ưu đãi, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây cũng là những mặt hàng mà thị trường EU đòi hỏi tiêu chuẩn cao và phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng lớn, đưa quan hệ Việt Nam - EU lên tầm cao mới. EVFTA được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao và cũng là FTA đầu tiên của EU ký kết với một quốc gia có mức thu nhập trung bình. Việc ký kết và thực thi EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là một trong những nước châu Á - Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất cả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, môi trường, năng lượng bền vững và quốc phòng - an ninh(1).

Những nội dung chủ yếu của EVFTA

EVFTA bao gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ. Bốn lĩnh vực cơ bản của Hiệp định là thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, EVFTA còn các lĩnh vực khác như quy tắc xuất xứ, cạnh tranh, phát triển bền vững, các vấn đề về phòng vệ thương mại, bán phá giá...

Đối với phạm vi cam kết, EVFTA không chỉ đề cập đến thương mại trực tiếp, mà còn đề cập đến các vấn đề về môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực. Lộ trình của Hiệp định cũng được thực hiện trong thời gian ngắn hơn so với các FTA truyền thống, đi kèm với đó là cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi.

Trong thương mại hàng hóa, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn(2).

Về phía Việt Nam, chúng ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU, được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế nhập khẩu này tương ứng là 98,3% số dòng thuế và 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU. Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu sau hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)(3).

Quy tắc về rào cản kỹ thuật trong thương mại của Hiệp định được hai bên thỏa thuận thực hiện theo những quy tắc của WTO. Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), Việt Nam và EU đã đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.

Về quy tắc xuất xứ, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất, đó là: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu; không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…

Cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA về thương mại dịch vụ, đầu tư hướng tới tạo môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp hai bên. Trong đó, cam kết của EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương với mức cao nhất trong các FTA gần đây của EU. Cam kết của Việt Nam cho EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất là ngang bằng với mức mở cửa cao nhất mà Việt Nam thực hiện với các đối tác khác trong các đàm phán FTA hiện tại.

Ngoài ra, Hiệp định cũng đề cập đến một số vấn đề về cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững (bao gồm cả môi trường, lao động), các vấn đề pháp lý - thể chế, hợp tác và xây dựng năng lực.

Như vậy, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và tương đối toàn diện của EVFTA, trong đó lộ trình xóa bỏ thuế quan của EU nhanh hơn lộ trình của Việt Nam, thặng dư thương mại của Việt Nam với EU dự báo sẽ tăng 3% - 5%/năm, sau 3 năm có thể tăng khoảng 10%(4). Về lâu dài, khi EU thâm hụt thương mại sâu hơn sẽ có xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại(5), nhất là đối với những ngành hàng mà Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh cao, được dự kiến hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Không chỉ vậy, những ngành hàng này được dự báo cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đáng lưu ý là việc phải đáp ứng những đòi hỏi rất cao từ phía khách hàng và EU có thể sẽ tăng hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sẽ ngặt nghèo hơn nữa.

Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU

Về cơ hội

Việc ký kết EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước EU, thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới với tầng lớp trung lưu đông đảo và nhu cầu tiêu dùng cao. Điều này mang đến những cơ hội cho Việt Nam khi trước đó, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Thêm vào đó, ngoại trừ một số ít mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan, các mặt hàng nông, thủy sản chủ chốt của Việt Nam vào EU đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng nông, thủy sản của các nước ở châu Á (vì có nhiều mặt hàng tương đồng), đặc biệt với hai thị trường nông sản lớn là Thái Lan và Trung Quốc, do chưa có FTA với EU. 

Ngoài ra, EVFTA được thực thi ngay trong giai đoạn Việt Nam nỗ lực phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19, do vậy mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam, nhất là sau một thời gian dài phải đối mặt với sự sụt giảm trong hoạt động thương mại quốc tế, doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu chế biến, hoạt động vận tải và thanh toán khó khăn. Đây cũng là một bước tiến giúp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, là động lực giúp đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh nông, thủy sản của nước ta thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói(6).

Trong bối cảnh hiện nay, nguy cơ bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu, trong khi kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ngày càng trở nên quan trọng. Vì vậy, EVFTA được đánh giá là nền tảng quan trọng để Việt Nam hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn mà thị trường EU yêu cầu(7).

EVFTA cũng tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp, thủy sản Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến hoặc nguyên phụ liệu từ các nước EU với giá cả hợp lý hơn; nhập khẩu, chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn; thủ tục chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan, thủ tục khiếu nại, xử lý vướng mắc về SPS và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) thuận lợi, nhanh chóng, minh bạch hơn; tiếp cận các dịch vụ sản xuất tốt hơn về tài chính, bảo hiểm, logistics…; tiếp cận các kênh phân phối thuận lợi hơn(8)... Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam cũng có thêm cơ hội tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU, có thêm nguồn nhập khẩu với giá cả hợp lý và chất lượng tốt hơn.

Thông qua EVFTA, Việt Nam có thể tăng cường thu hút vốn đầu tư của EU vào nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, tiếp cận khoa học - kỹ thuật hiện đại qua hợp tác chuyển giao công nghệ, cung cấp máy móc chế biến, học hỏi các mô hình nuôi trồng, những kinh nghiệm trong quản lý, chế biến và bảo quản sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng của sản phẩm xuất khẩu.

Về thách thức

Bên cạnh việc mang lại nhiều cơ hội, EVFTA cũng được đánh giá là tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có hàng nông, thủy sản.

Trước tiên, theo các cam kết kèm theo của EVFTA, yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ của EU cũng rất chặt chẽ, đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về giới hạn tỷ lệ % tối đa được phép của nguyên liệu nhập khẩu. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam).

So với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với hàng nông, thủy sản trong EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn khi tiêu chí xuất xứ hàng hóa áp dụng chủ yếu là xuất xứ thuần túy (Wholly obtained - WO). Điều này có nghĩa là thủy sản thô, sơ chế và thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam được coi là có xuất xứ theo EVFTA khi nguyên liệu thủy sản dùng trong quá trình sản xuất có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam (được sinh ra hoặc nuôi dưỡng, đánh bắt và chế biến hoàn toàn tại Việt Nam), không được phép nhập khẩu từ nước thứ ba ngoài Hiệp định.

Còn đối với hàng hóa nông sản, tiêu chí xuất xứ chủ yếu áp dụng trong EVFTA cũng là xuất xứ thuần túy, theo đó hàng hóa được trồng, được sinh ra và nuôi dưỡng, được thu hoạch hoặc thu lượm, hoặc thu được từ giết mổ động vật, săn bắn tại Việt Nam sẽ được coi là có xuất xứ theo EVFTA. Ngoài tiêu chí xuất xứ thuần túy, hàng nông sản cũng được coi là có xuất xứ theo EVFTA khi đáp ứng các tiêu chí hàng hóa cụ thể tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng(9). Bên cạnh đó, EVFTA cũng giới hạn tỷ lệ sử dụng các nguyên liệu từ bơ, trứng, sữa và đường từ nước thứ ba ngoài lãnh thổ Hiệp định trong việc sản xuất hàng nông nghiệp. 

Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, các quy định về truy xuất nguồn gốc của EU đối với hàng hóa nhập khẩu cũng có xu hướng ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn. Trong khi đó, nguy cơ hàng Việt Nam bị “mượn danh” xuất khẩu sang EU cũng tăng lên, nếu không có những giải pháp ngăn chặn và xử lý hiệu quả, điều này có thể dẫn tới việc hàng hóa của Việt Nam bị điều tra và hệ lụy dẫn tới thị trường bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp và cả ngành hàng xuất khẩu.

Một vấn đề khác là EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp phi thuế quan như các SPS hay TBT. Hầu hết các cam kết về SPS và TBT trong EVFTA đều chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo WTO. Do đó, EVFTA không giúp hạn chế các rào cản phi thuế quan của EU đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. 

Tuy nhiên, các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của EU rất khắt khe và không dễ dàng để đáp ứng. Dịch bệnh COVID-19 cũng khiến người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc thực phẩm. Do đó, các cơ chế bảo đảm về quy trình sản xuất và xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm như nông, thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Trong khi đó, tại Việt Nam, phương thức nuôi trồng và thực tiễn sản xuất vẫn còn nhiều thiếu sót, chưa phù hợp để đáp ứng được các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến..., dẫn tới chi phí tuân thủ bị gia tăng, tạo ra áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức nêu trên, việc thực thi EVFTA cũng đặt ra một số thách thức khác đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có có các sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu.

Về sở hữu trí tuệ, đây là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU, trong khi tại Việt Nam, hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân khiến các vụ, việc vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra thường xuyên là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của mình. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới chú trọng tới số lượng xuất khẩu các sản phẩm, mà chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nên nhiều sản phẩm xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới dạng thô, dù có sản lượng lớn, chất lượng cao nhưng lợi ích kinh tế mang lại thấp. Ngoài ra, chi phí bảo hộ tốn kém cũng là một vấn đề ảnh hưởng đến quyết định đăng ký bảo hộ của doanh nghiệp.

Về sử dụng lao động, dù có nhiều nỗ lực nhưng tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Những vướng mắc phổ biến liên quan, như: người lao động làm thêm quá số lượng giờ quy định, quy định về nghỉ tuần, nghỉ lễ, môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động, quyền tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, quyền được hỗ trợ của lao động nữ ở nơi làm việc và trong hoàn cảnh nuôi con nhỏ...

Về bảo vệ môi trường, EU là nhóm các quốc gia châu Âu phát triển, có yêu cầu rất cao, nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn về môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đối với hàng hóa và về vấn đề môi trường, EU đưa ra các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan như sản phẩm phải được gắn nhãn CE (nhãn hiệu bắt buộc đối với hàng hóa theo quy định và được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường EU) mới được coi là đáp ứng các quy định về an toàn và môi trường, được lưu hành trên thị trường EU. Hiện nay, EU ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố thể hiện mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong các hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ(10). Theo đó, những vấn đề liên quan lĩnh vực này mà Việt Nam cần tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, đó là: Đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai; biến đổi khí hậu; bảo vệ tầng ozone; đánh bắt hải sản; hàng hóa và dịch vụ môi trường; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường; gắn nhãn sinh thái lên hàng hóa xuất khẩu…

Một số giải pháp để nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bứt phá tại thị trường EU

Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần bảo đảm đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để tránh bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa vào EU. Doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý cần xây dựng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đồng nhất, thực thi đồng bộ ở phạm vi toàn quốc theo các tiêu chuẩn toàn cầu; ứng dụng, phát triển các kinh nghiệm quốc tế tốt trong sản xuất các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm…

Trong tương lai, những quy định của EU về quản lý sản xuất lương thực cũng như nhập khẩu lương thực dự kiến sẽ củng cố các điều khoản về tính bền vững. Đồng thời, theo lộ trình, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu vào EU. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung, xây dựng và áp dụng các chính sách về tiêu chuẩn môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội,… phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với nông, thủy sản đã qua chế biến.

Thứ hai, cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin thị trường thông qua tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường công tác phân tích, dự báo thị trường và nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị đối với các hàng hóa, đẩy mạnh những hoạt động phối hợp với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ ba, tăng cường công tác cảnh báo và tháo gỡ những khó khăn từ phía EU. Chính phủ cần tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản và những vấn đề phát sinh đối với hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với EU, đặc biệt đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU, chủ động thiết lập kênh thông tin giữa nhà nhập khẩu, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu hàng hóa sang EU./.

--------------------

(1) Hà Chính: “EVFTA có hiệu lực từ 1/8: Cột mốc trọng đại”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 1/8/2020, https://baochinhphu.vn/evfta-co-hieu-luc-tu-1-8-cot-moc-trong-dai-102276682.htm.

(2) Thu Hường: “Xuất khẩu năm 2020: Kỳ vọng từ các hiệp định thương mại”, Tạp chí Con số và sự kiện điện tử, ngày 21/9/2020, http://consosukien.vn/xuat-khau-nam-2020-ky-vong-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai.htm.

(3) Bộ Công Thương: “Hiệp định EVFTA và IPA: Việt Nam và EU cam kết những gì?”, Trang Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 9/5/2021, https://moit.gov.vn/tin-tuc/70-nam-nganh-cong-thuong/hiep-dinh-evfta-va-ipa-viet-nam-va-eu-cam-ket-nhung-gi-.html.

(4) Đình Lý: “Chủ động trang bị kiến thức về pháp luật phòng vệ thương mại”, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21/8/2020, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chu-dong-trang-bi-kien-thuc-ve-phap-luat-phong-ve-thuong-mai-1491868716.

(5) Phòng vệ thương mại gồm 3 biện pháp cơ bản: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trong đó, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến (Phạm Ngọc Huệ: “Tăng cường phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước trước yêu cầu hội nhập quốc tế”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 13/12/2021, https://www.tapchicong san.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824485/tang-cuong-phong-ve-thuong-mai-de-bao-ve-san-xuat-va-thi-truong-trong-nuoc-truoc-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te.aspx).

(6) Lê Phương: “EVFTA: Thúc đẩy ngành nông nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu”, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam, ngày 21/7/2020, https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/ quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=47098&CategoryId =0.

(7) Bộ Công Thương: “EVFTA thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Trang Thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 29/8/2020, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/evfta-thuc-day-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau.html.

(8) Văn Thọ: “Hiệp định EVFTA được phê chuẩn, cơ hội cho xuất khẩu thủy sản”, Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản, ngày 29/5/2020, https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/tin-t%E1%BB% A9c/-tin-v%E1%BA%AFn/doc-tin/014562/2020-05-29/hiep-dinh-evfta-duoc-phe-chuan-co-hoi-cho-xuat-khau-thuy-san.

(9) Bộ Công Thương: “Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU thông qua việc sử dụng C/O mẫu EUR.1”, ngày 4/1/2022, https://moit.gov.vn/ tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/xuat-khau-nong-san-cua-viet-nam-sang-thi-truong-eu-thong-qua-viec-su-dung-c-o-mau-eur.1.html.

(10) Hoàng Xuân Huy: “Tăng cường tính tự nguyện và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo các quy tắc quốc tế của hiệp định thương mại tự do”, Tạp chí Môi trường điện tử, ngày 6/8/2020, http://tapchimoitruong.vn/moi-truong-va-cong-dong-84/Tăng-cường-tính-tự-nguyện-và-trách-nhiệm-xã-hội-của-doanh-nghiệp-theo-các-quy-tắc-quốc-tế-của-Hiệp-định-thương-mại-tự-do-20345.