Nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững từ giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp có vai trò rất quan trọng trong giáo dục đào tạo nói chung đặc biệt là đối với hộ nghèo. Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã giúp giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi. Công tác này cần được chú trọng hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới.
Vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với công tác giảm nghèo
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030 đã nêu rõ: Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện...
Các chính sách giảm nghèo chung hỗ trợ toàn diện cho người nghèo đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ như: Bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, dạy nghề, lao động và việc làm, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, vay vốn tín dụng ưu đãi; giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng. Từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng...
Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã được chú trọng triển khai nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo. Trong các chương trình mục tiêu quốc gia của các giai đoạn trước cũng có những nội dung liên quan đến đào tạo nghề. Trong Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn cũng xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo là một trong những chỉ tiêu quan trọng.
Kiến thức, kỹ năng nghề là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Do đó, có thể khẳng định, đào tạo nghề góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, tạo sinh kế, việc làm và giảm nghèo bền vững của đất nước. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, có 38% số hộ đã thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ học nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt, thoát nghèo bền vững.
Kết quả trên đã đóng góp tích cực vào kết quả xóa đói, giảm nghèo chung của cả nước. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình mỗi năm giảm 5,4%.
Giai đoạn 2016-2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Giải pháp nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững từ giáo dục nghề nghiệp
Vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với giảm nghèo bền vững tiếp tục được khẳng định tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong Chương trình, nội dung về đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thiết kế thành một dự án riêng là dự án số 4 với các mục tiêu, lộ trình và chỉ tiêu cụ thể.
Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan…
5 nội dung, hoạt động trong dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn bao gồm: Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển chương trình, học liệu, phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; Khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề, truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nội dung về đào tạo nghề nêu tại Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững, tiếp cận ở góc độ người lao động có kỹ năng, có việc làm một cách thỏa đáng, bền vững. Đó là nội dung căn cơ để giải quyết các vấn đề thiếu hụt khác như: thiếu hụt về thu nhập, thiếu hụt về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản...
Do đó, việc triển khai thực hiện hiệu quả nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững trong thời gian tới. Để làm được điều này, trước hết, Nhà nước cần có các chính sách đầu tư trọng tâm vào vùng có điều kiện khó khăn để tạo điều kiện tiếp cận, tham gia các lớp giáo dục nghề nghiệp cho người lao động.
Đồng thời, cần có chính sách đầu tư cho các cơ sở đào tạo về các điều kiện đảm bảo chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình giáo trình...) để nâng cao chất lượng đào tạo, có môi trường học tập thực sự để thu hút sự tham gia của người học. Về dài hạn, cần phải có hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, công bằng, đảm bảo cho mọi đối tượng, mọi thành phần đều được hưởng lợi, đầu tư của Nhà nước đảm bảo tính cân bằng, không chỉ vùng khó khăn, vùng nghèo, vùng miền núi… mà là tất cả các địa phương, các khu vực.
Để phát triển bền vững, năng suất cao hơn, giáo dục nghề nghiệp cho hộ nghèo không chỉ dừng ở đào tạo cơ bản, sơ cấp, dưới 3 tháng... mà phải có sự phân luồng đào tạo rõ ràng, đào tạo trình độ cao với lực lượng lao động trẻ để đảm bảo kiến thức, kỹ năng đáp ứng với nhu cầu thị trường lao động ngày càng cao.
Bên cạnh đó, cần có chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo với giáo dục nghề nghiệp như: khuyến khích, thậm chí hỗ trợ chi phí ăn, đi lại. Đồng thời, cần tăng cường sự hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong các chính sách hỗ trợ người học, tạo điều kiện tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo, bố trí giảng viên có chất lượng, cơ sở vật chất và học liệu đầy đủ để công tác đào tạo đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó, giúp học viên có kiến thức, kỹ năng, tạo ra cơ hội để các sinh viên khi ra trường có tay nghề, tham gia vào thị trường lao động và có thu nhập tốt, phục vụ nhu cầu bản thân và gia đình để thoát nghèo và phát triển bền vững.