Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn lực

Lê Anh

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đánh giá là chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro...

Chính phủ đánh giá rằng, DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ đánh giá rằng, DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Báo cáo gửi Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8 về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023. Báo cáo ghi nhận, đến cuối năm 2023 có 841 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, tuy nhiên, trong số này chỉ có 813 doanh nghiệp có số liệu báo cáo.

Qua báo cáo của 813 doanh nghiệp, đến cuối năm 2023, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp này là 1.752.736 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023, trong đó vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.587.405 tỷ đồng. Lãi phát sinh trước thuế năm 2023 đạt gần 218 nghìn tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022.

Theo đánh giá, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cơ bản, các DNNN tiếp tục thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn, tài sản, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là đầu tàu trong các lĩnh vực, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đồng thời, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN cũng tích cực triển khai rà soát, sắp xếp cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021 – 2025… Triển khai rà soát, đề xuất phương án xử lý các doanh nghiệp trực thuộc, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, phục vụ chính sách điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá, là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người dân, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực mà tư nhân không thực hiện.

Kết quả hoạt động của 813 doanh nghiệp cho thấy, tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản là 4.010.306 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, tổng doanh thu năm 2023 của khối doanh nghiệp này đạt 2.761.271 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022. Song, lãi phát sinh trước thuế chỉ đạt 217.788 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2023 là 12% (năm 2022 là 14%); tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2023 là 6% (năm 2022 là 5%).

Từ kết quả này, Chính phủ đánh giá, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN vẫn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển. DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp như công nghệ cao, cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc…

Nhất là hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp này chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả. Các DNNN chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường. Việc quyết toán cổ phần hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, còn kéo dài tại một số DN sau cổ phần hóa khiến tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm.

Nếu xét riêng từng loại hình doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có ít vốn nhà nước hơn lại hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, năm 2023, tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của tập đoàn, tổng công ty mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 11%, trong khi con số này ở khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 14%, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn là 15%.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý 

Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng Nhà nước thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu theo phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện chủ sở hữu vốn. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư tại doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của pháp nhân doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã tham mưu, soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 
Bộ Tài chính đã tham mưu, soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. 

Đồng thời, thống nhất quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, thực hiện vai trò là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả các Đề án cơ cấu lại, Chiến lược phát triển, Kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài; chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN một cách căn cơ, toàn diện, bài bản, bền vững; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng hiệu quả các dự án đầu tư phát triển của DNNN.

Đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư phát triển; tập trung tái cấu trúc bộ máy quản lý hiệu lực, hiệu quả và lực lượng lao động giảm số lượng, nâng cao chất lượng; tái cấu trúc về tài chính, tập trung cho đầu tư phát triển...

 

Để gỡ vướng về cơ chế, chính sách quản lý đối với các DNNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tham mưu, soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, việc thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật này.