Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm khoảng 8% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước, quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Doanh nghiệp nông nghiệp tại TP. Hà Nội cũng không nằm ngoài tình trạng trên. Làm thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm Bài viết đánh giá vai trò, thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, từ đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian tới.
Vai trò của doanh nghiệp nông nghiệp
Doanh nghiệp (DN) nông nghiệp là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, cung ứng vật tư, tư vấn khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã và đang làm cho quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, do đó, đã tạo sức ép đối với hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Để nâng cao giá trị kinh tế cho ngành Nông nghiệp, đòi hỏi các DN nông nghiệp cần phải tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Vai trò của các DN nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường đã được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Thứ nhất, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất. Trong điều kiện hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), có nhiều thuận lợi để xuất khẩu các mặt hàng ra thế giới, trong đó có mặt hàng nông sản. Những thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, EU, Australia, Mỹ… là thị trường lớn, đầy tiềm năng của Việt Nam nhưng cũng đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật. Điều này đặt ra yêu cầu, phải sản xuất, kinh doanh nông nghiệp một cách bài bản, chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Vì vậy, vai trò của DN trong quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam là rất cần thiết.
Thứ hai, đội quân chủ lực cho sản xuất nông sản thực phẩm hữu cơ, bảo đảm nông sản thực phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xu hướng tiêu dùng của một bộ phận lớn cư dân là sử dụng nông sản, thực phẩm hữu cơ; lựa chọn sản phẩm thiên nhiên thuần khiết, đặt an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Trong khi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi chi phí lớn hơn sản xuất thông thường rất nhiều. Do vậy, chỉ khi DN đặt hàng hỗ trợ đầu tư, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá cao, người nông dân mới sản xuất.
Thứ ba, đội quân chủ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Vai trò của DN rất quan trọng trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Những năm gần đây, nhiều DN lớn đầu tư vào ngành Nông nghiệp và đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị thương hiệu của sản phẩm Việt Nam ra thị trường. Các DN đã quan tâm đầu tư xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản ở các thị trường mục tiêu.
Đầu tư dây chuyền công nghệ cho việc chế biến, bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, không hóa chất, không độc hại, cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, hợp pháp... Nhiều DN còn tổ chức những khóa huấn luyện, hướng dẫn người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp; thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm quyền lợi của người nông dân. Từ đó, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt có uy tín, thể hiện rõ vai trò đi đầu, dẫn đường của DN cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị cao.
Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội
Cùng với sự đổi mới về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, trong những năm qua, DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội Thủ đô. Với nhiều chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, số lượng DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tăng mạnh từ 270 DN năm 2015 lên 415 DN năm 2017; 510 DN năm 2018. Năm 2019, số DN đăng ký mới tăng thêm 148 DN; năm 2020 tăng thêm 190 DN… đưa tổng số DN nông nghiệp tại TP. Hà Nội đến hết năm 2020 đạt khoảng gần 900. Mặc dù, có sự tăng trưởng qua các năm, nhưng DN nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số DN trên địa bàn Thành phố. Giai đoạn 2011-2015, chỉ đạt 0,31%; giai đoạn 2017-2018 dao động từ 0,34-0,39%; năm 2019, đạt 0,54%; năm 2020 đạt 0,71%.
Điều này cho thấy, các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Nếu so sánh số DN ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản với các địa phương và tiềm năng thì TP. Hà Nội còn khiêm tốn: Bình quân giai đoạn 2011-2015, TP. Hồ Chí Minh chiếm 10,91%, TP. Hà Nội chiếm 7,42%, Đà Nẵng chiếm 0,63%. Các năm 2019, số liệu tương ứng là: TP. Hồ Chí Minh 10,64% và 9,39%, TP. Hà Nội 8,43% và 7,60%, Đà Nẵng 0,92% và 0,90%. Số liệu trên cho thấy, TP. Hà Nội đã khá thành công khi thu hút lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Bên cạnh đó, lao động của DN ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP. Hà Nội đã giảm dần vào các năm 2016, 2017. Sang năm 2018 và 2019, Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chính thức có hiệu lực vào 14/1/2019. Trong đó, Canada cam kết ngay lập tức 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Nhật Bản cam kết, xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam… Đây là cơ hội và là cơ sở làm tăng mạnh số lượng các DN nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn TP. Hà Nội, số lượng lao động trong lĩnh vực này so với năm 2017 cũng tăng mạnh cả về tuyệt đối và tương đối (tăng thêm 4.061 lao động).
Theo Sách trắng DN Việt Nam 2019, lao động nông thôn của TP. Hà Nội các năm 2016, 2017, 2018 tương ứng là 2,144 triệu người, 2,194 triệu người, 2,239 triệu người. Tỷ trọng lao động của DN nông nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh so với lao động nông thôn từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm là 0,43% năm 2016, 0,39% năm 2017, 0,57% năm 2018. Nhìn chung, tỷ trọng tuy khá khiêm tốn nhưng các DN nông nghiệp đã góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn.
Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng ngày càng tăng so với lao động có trình độ trung cấp. Tuy nhiên, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn, tỷ trọng số lao động đã qua đào tạo và lao động sơ cấp nghề vẫn còn thấp. Cụ thể, trong tổng số 50.2296 lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản Hà Nội năm 2016, lao động chưa qua đào tạo chiếm 90,55%; lao động đã qua đào tạo, nhưng không có chứng chỉ chiếm 4,56%; lao động sơ cấp nghề và có chứng chỉ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật chiếm chỉ 1,94%. Trong đó, lao động trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chiếm 1,44; lao động cao đẳng, cao đẳng nghề chiếm 0,95%; lao động trình độ đại học trở lên chiếm 0,51% trong tổng số lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Nguồn vốn của DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội cũng tăng dần qua các năm trong giai đoạn 2016-2018. Điều này thể hiện sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền đối với lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN nông nghiệp. Nhưng xét về tỷ trọng so với tổng vốn DN các ngành ở từng năm tương ứng thì con số đạt được rất khiêm tốn (tương ứng 0,23%, 0,208%, 0,23%).
Thực tế, nguồn vốn của DN nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất so với các ngành kinh tế khác. Hiện nay, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của DN nông nghiệp đang hoạt động của TP. Hà Nội qua các năm 2016, 2017 tương ứng là: 31,2% và 25,8%. Nghĩa là, cứ khoảng 1 đồng vốn DN sẽ tương ứng khoảng 2 đồng vốn vay. Với lĩnh vực đầu tư còn phụ thuộc vào khí hậu, dịch bệnh, thị trường bấp bênh như ngành Nông nghiệp thì việc huy động nguồn vốn vay là khó khăn.
Năm 2019, TP. Hà Nội có 129 DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của TP. Hà Nội. Cụ thể, mới có 119 ha rau có nhà lưới, 15ha rau theo công nghệ tưới tiết kiệm, trong tổng số 33.160ha trồng rau; 111ha hoa ứng dụng công nghệ cao từng phần trên tổng diện tích 5.470ha trồng hoa…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến giữa năm 2021, TP. Hà Nội có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, có 109 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 40 mô hình về chăn nuôi, 15 mô hình trong lĩnh vực thủy sản. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Để thực hiện thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều DN và hợp tác xã trên địa bàn Thành phố đã tập trung ứng dụng cơ khí hóa đồng bộ vào trồng trọt như mạ khay, máy cấy, máy cày bừa, máy gặt đập; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ vi sinh, nuôi trong chuồng kín, có hệ thống xử lý môi trường. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của TP. Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Tồn tại, hạn chế
TP. Hà Nội đã khá thành công khi thu hút lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, bởi số lượng DN nông nghiệp lớn thứ hai của cả nước và theo xu hướng tăng qua các năm. Các DN nông nghiệp ở Hà Nội đã chú trọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản hữu cơ, thực hiện phát triển “nông nghiệp trách nhiệm”, hướng tới sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu của đô thị lớn và phục vụ xuất khẩu. Các DN nông nghiệp đã góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn tuy xét về tỷ trọng còn khá khiêm tốn nhưng đã có xu hướng tăng trong những năm qua.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân một lao động trong DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là tổng số tiền thu nhập thực tế tính bình quân một lao động làm công ăn lương. Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động trong các DN nông nghiệp trên địa bàn thuộc nhóm thấp nhất so với các ngành khác, thấp hơn thu nhập bình quân đầu người/tháng của người dân Hà Nội, nhưng cao hơn thu nhập bình quân đầu người/tháng ở khu vực nông thôn Hà Nội. Đây là khoản thu nhập tương đối ổn định cho lao động nông thôn, giải quyết được phần nào tình trạng thu nhập bấp bênh do tính chất lao động mùa vụ của nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả trên, các DN nông nghiệp ở TP. Hà Nội còn những tồn tại cần khắc phục. Cụ thể: Các DN nông nghiệp ở TP. Hà Nội chủ yếu là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Nguồn vốn trong các DN nông nghiệp hạn chế, bởi do phần lớn các ngân hàng không chấp nhận tài sản thế chấp là các trang thiết bị, cây, con của các cơ sở trồng trọt và chăn nuôi, kể cả các thiết bị công nghệ cao. Tại các đô thị lớn nói chung, TP. Hà Nội nói riêng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm cho quỹ đất nông nghiệp đã bị chia cắt manh mún lại ngày càng bị thu hẹp. Việc tạo quỹ đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn rất khó khăn bởi giá đền bù theo thỏa thuận cao... Đây là những "nút thắt" khiến nhiều DN nông nghiệp muốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa thể thực hiện.
Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới phát triển; liên kết theo chuỗi nhằm tìm kiếm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm còn rất hạn chế; Liên kết “các nhà” còn mang tính hình thức. Lao động nông thôn chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao. Chưa phát triển được những nông sản có thương hiệu nổi tiếng trong nước và ở thị trường nước ngoài.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội
Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội phát triển cần chú trọng các giải pháp sau:
Một là, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp. Từ đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp TP. Hà Nội đã vận dụng các chính sách hỗ trợ từ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn để giúp DN, hợp tác xã tiếp cận thêm nguồn vốn. Đơn cử từ đầu năm đến nay, Quỹ Khuyến nông TP. Hà Nội đã hỗ trợ thẩm định, giải ngân vốn cho 37 phương án, dự án vay với số tiền hơn 13,6 tỷ đồng. Mặt khác, TP. Hà Nội sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao... Ở một số huyện, với các hộ liên kết thành lập hợp tác xã, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật, nguồn vốn...
Theo đó, TP. Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp như: Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ đối với các DN, hợp tác xã, trang trại, các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; Lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, tăng tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng, vốn của các cá nhân, tập thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả hình thức hợp tác công tư đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư của Ngành.
Hai là, cơ cấu lại đất đai trong kinh tế nông nghiệp. TP. Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ tại các huyện nhằm tạo cơ sở, nền tảng sản xuất cho DN. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã quy hoạch vùng sản xuất để tạo vùng nguyên liệu thu hút DN đầu tư. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng chủ động phối hợp với các địa phương triển khai theo phương thức: Nông dân góp đất, DN chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Một số huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện cho DN liên kết với nông dân để thuê đất, tạo mặt bằng đầu tư sản xuất...
Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, TP. Hà Nội cần phải tiếp tục có những giải pháp nhằm cơ cấu lại đất đai trong kinh tế nông nghiệp: Tăng diện tích cây trồng với các giống cây có giá trị kinh tế cao; thực hiện chuyển đổi đất lúa vùng úng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng cao khó khăn về nước tưới sang rau, màu, hoa, cây cảnh… có giá trị kinh tế cao; tăng nhanh diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện cơ cấu lại đất đai theo hướng tích tụ, tập trung đất đai giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản.
Ba là, cơ cấu lại trình độ kỹ thuật trong nông nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ. Theo đó, cần tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học. Chú trọng áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Cụ thể: Trong lai tạo giống phù hợp với yêu cầu của thị trường; Gia tăng các phương pháp, quy trình kỹ thuật mới trong nuôi, trồng, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản nông sản nhằm tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất; Gia tăng các loại công cụ, phương tiện lao động mới; Thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại lao động nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp để chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp; giảm tỷ trọng lao động phổ thông, tăng tỷ trọng lao động qua đào tạo, nhất là lao động có bằng đại học, cao đẳng, lao động khoa học kỹ thuật; tăng tỷ trọng lao động trong ngành Chăn nuôi, thủy sản; giảm tỷ trọng lao động trong trồng trọt, còn trong ngành Trồng trọt; giảm tỷ trọng lao động trong ngành Trồng lúa và tăng tỷ trọng lao động trồng cây công nghiệp.
Năm là, một số giải pháp về mở rộng các liên kết kinh tế và xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác kinh tế giữa kinh tế hộ nông dân với các thành phần kinh tế khác theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm, trên cơ sở hợp đồng kinh tế và bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên. Trong đó, chú trọng mô hình liên kết “sáu nhà” theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các chủ thể, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mai; đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố trong công tác tập huấn, tư vấn cho DN, hợp tác xã về phát triển thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020, Sách trắng Doanh nghiệp năm 2019;
2. Bộ kế hoạch và đầu tư, Niên giám thống kê Hà Nội 2019, NXB Thống kê, H.2020;
3. Trần Đình Thiên (Chủ biên), Các thành phần kinh tế Việt Nam, Vấn đề và đinh hướng chính sách, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2020.
* ThS. Đặng Thị Tố Tâm - Học viện Chính trị khu vực I.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021.