Nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia trong giai đoạn hiện nay
Dự trữ quốc gia là nguồn lực dự trữ do Nhà nước tạo lập, quản lý, để sử dụng cho mục tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và phục vụ quốc phòng, an ninh. Trong điều kiện khả năng cân đối ngân sách nhà nước để tăng mức dự trữ quốc gia còn khó khăn, tỷ trọng mức dự trữ quốc gia so với GDP còn rất thấp so với Chiến lược đã đề ra, trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia là rất cần thiết. Bài viết trao đổi về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia ở Việt Nam hiện nay gồm: Hiệu quả huy động nguồn lực cho dự trữ quốc gia; hiệu quả quản lý và sử dụng dự trữ quốc gia.
Thực trạng hoạt động dự trữ quốc gia
Từ năm 2013, khi Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) có hiệu lực thi hành, đến nay, sau 6 năm triển khai Luật DTQG, lượng hàng DTQG đáp ứng đủ 100% đề xuất xuất cấp hàng DTQG ứng cứu thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh… Đáng chú ý, chất lượng hàng DTQG xuất cấp ngày càng được cải thiện, nâng cao uy tín và hiệu quả sử dụng hàng DTQG. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động DTQG còn có một số tồn tại làm hạn chế hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực DTQG, cụ thể:
Thứ nhất, về hiệu quả huy động nguồn lực cho DTQG
Trong giai đoạn 2013 - 2019, nguồn lực huy động cho DTQG tăng đều qua các năm thể hiện ở giá trị tổng mức DTQG tăng bình quân 1,42%/năm; kinh phí đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho DTQG, đặc biệt là cho hệ thống kho DTQG có sự tăng trưởng đáng kể (đạt 833,6 tỷ đồng). Tuy nhiên, tổng mức DTQG đạt thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược DTQG đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ và chưa đảm bảo được tính chủ động đáp ứng các yêu cầu đột xuất, cấp bách trong tình huống thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc sự cố an ninh, quốc phòng xảy ra trên diện rộng.
Những tồn tại chính làm hạn chế hiệu quả huy động nguồn lực cho DTQG gồm:
- Chưa huy động hiệu quả nguồn lực từ ngân sách địa phương (NSĐP) và nguồn lực ngoài ngân sách cho DTQG: Nguồn lực cho DTQG hiện nay chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước (NSNN), cụ thể là ngân sách trung ương (NSTW) do Luật NSNN năm 2015 quy định và chi DTQG là nhiệm vụ chi của NSTW. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho DTQG bước đầu được thực hiện thông qua cơ chế thuê ngoài bảo quản hàng DTQG, giúp giảm bớt phần nào gánh nặng cho NSNN trong việc đầu tư hệ thống kho DTQG và công nghệ bảo quản đối với các mặt hàng DTQG do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương quản lý. Tuy nhiên, về cơ bản, các chính sách khuyến khích huy động nguồn lực ngoài NSNN của các cá nhân, tổ chức trong xã hội tham gia vào hoạt động DTQG còn mang tính hình thức, chưa phát huy hiệu quả thực tiễn.
- Chưa quản lý được nguồn lực dự phòng cho DTQG: Luật DTQG và Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định DTQG là dự trữ vật tư, thiết bị do Nhà nước quản lý, nắm giữ. Trong tình huống đột xuất, cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, phục vụ quốc phòng, an ninh cần được giải quyết ngay, thủ trưởng các bộ quản lý hàng DTQG phối hợp với Bộ Tài chính huy động tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị của các tổ chức, cá nhân cho DTQG theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Như vậy, tài sản, hàng hóa, vật tư thiết bị được các tổ chức, cá nhân trong nước dự trữ là nguồn lực dự phòng cho DTQG, trong trường hợp cần thiết Nhà nước có thể huy động, trưng mua, trưng dụng để thực hiện mục tiêu DTQG. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có cơ chế nắm bắt thông tin, khuyến khích, định hướng, giám sát nguồn lực dự phòng cho DTQG. Đây cũng là một trong những tồn tại làm hạn chế hiệu quả huy động nguồn lực cho DTQG.
Thứ hai, về hiệu quả quản lý, sử dụng DTQG
Song song với thực tế nguồn lực DTQG còn mỏng, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực DTQG hiện có để thực hiện mục tiêu DTQG chưa thực sự tối ưu. Nguyên nhân của tình trạng này là do:
- Danh mục và công tác quản lý danh mục hàng DTQG còn bất cập: Luật DTQG quy định danh mục 12 nhóm hàng DTQG và Nghị định số 94/2013/NĐ-CP quy định danh mục chi tiết 63 mặt hàng DTQG. Tuy nhiên, còn thiếu quy định định kỳ rà soát, cập nhật danh mục và phân quyền quyết định danh mục chi tiết các mặt hàng DTQG cho cấp bộ, ngành quản lý hàng DTQG, nên danh mục hàng DTQG chưa được rà soát, cập nhật kịp thời trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, chưa phù hợp với mục tiêu DTQG.
- Cơ cấu mặt hàng, cơ cấu phân bổ hàng DTQG chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu sử dụng: Cơ cấu phân bổ hàng DTQG theo địa bàn chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống kho DTQG được xây dựng từ thời chiến, chậm được đầu tư, nâng cấp, xây mới phù hợp nhu cầu sử dụng hàng DTQG trong thời bình. Đây là lý do dẫn tới tình trạng xuất hàng DTQG chéo địa bàn, làm phát sinh chi phí vận chuyển, giảm tính kịp thời và hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG. Cơ cấu mặt hàng DTQG chủ yếu được xác định theo kinh nghiệm, tính toán chưa khoa học, chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng, dẫn đến tình trạng mặc dù tổng mức DTQG đạt thấp, nhưng tỷ lệ hàng DTQG không kịp xuất sử dụng trong thời hạn bảo quản cho phép, phải xuất bán luân chuyển của một số mặt hàng còn cao, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho DTQG.
- Quản lý hoạt động nhập, xuất hàng DTQG chặt chẽ triệt để: Thực tế hiện nay, việc quản lý hàng DTQG chặt chẽ, đảm bảo nhập xuất đúng thẩm quyền, sử dụng đúng mục đích, có nơi có lúc còn khó thực hiện, do một số ít mặt hàng DTQG thuê ngoài bảo quản tích trữ chung với hàng hóa kinh doanh của DN, xảy ra chủ yếu với các mặt hàng do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
- Quản lý, sử dụng hàng DTQG sau xuất cấp còn bất cập: Pháp luật DTQG quy định, hàng DTQG sau xuất cấp phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng định mức và phân định trách nhiệm giữa đơn vị DTQG và đơn vị tiếp nhận, trực tiếp phân phối, sử dụng hàng DTQG trong quản lý, sử dụng hàng sau xuất cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, sử dụng hàng DTQG sau xuất cấp có nơi, có lúc còn thiếu chặt chẽ; Việc bảo quản hàng DTQG sau xuất cấp trước khi đến tay đối tượng sử dụng chưa được chú trọng, nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG.
- Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho hàng DTQG chưa hoàn thiện: Quản lý chất lượng hàng DTQG đang dần đi vào nền nếp nhưng cần tiếp tục cải thiện, do hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ (61% mặt hàng đang dự trữ trong kho chưa có quy chuẩn kỹ thuật); Quy chuẩn của một số mặt hàng chưa được cập nhật kịp thời với tiến độ phát triển, nâng cấp của công nghệ bảo quản hiện tại.
- Hệ thống định mức phí nhập, xuất, bảo quản, hao hụt hàng DTQG chưa đầy đủ. Song song với đó, hệ thống quy chuẩn chưa hoàn thiện, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật phí nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG còn thiếu hụt, không đủ cơ sở quản lý theo cơ chế khoán.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dự trữ quốc gia
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động DTQG trong việc thực hiện mục tiêu DTQG thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Về huy động nguồn lực cho dự trữ quốc gia
Nghị quyết số 39/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 15/01/2019 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực trong nền kinh tế nêu rõ, cần duy trì mục tiêu quy mô DTQG so với GDP cao hơn với mục tiêu tại Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2010-2020 từ mức: 0,8% - 1,0% GDP vào năm 2025; 1,5% GDP vào năm 2035; đạt 2% GDP vào năm 2045. Thực tế, số liệu về tổng mức DTQG và khả năng hạn hẹp của NSTW hiện tại cho thấy, để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần có những giải pháp đột phá theo hướng đa dạng hóa nguồn lực huy động cho DTQG để tăng tổng mức DTQG; giảm dần gánh nặng cho NSNN đăc biệt là NSTW. Theo đó, có 2 nhóm giải pháp cần cân nhắc triển khai như sau:
Một là, hướng dẫn, khuyến khích các địa phương sử dụng dự phòng NSĐP để mua hàng dự trữ, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh theo quy định; Hỗ trợ chính quyền địa phương cơ sở vật chất, kho tàng, công nghệ bảo quản để dự trữ hàng mua từ nguồn NSĐP để sử dụng cho mục tiêu DTQG; Xây dựng cơ chế phối hợp, thông tin báo cáo giữa trung ương và địa phương về quản lý, điều hành hoạt động dự trữ bằng hiện vật, đáp ứng mục tiêu DTQG.
Hai là, xây dựng chính sách huy động có hiệu quả nguồn lực hợp pháp từ ngoài NSNN cho hoạt động DTQG để từng bước xã hội hóa hoạt động DTQG; Bổ sung chức năng quản lý nhà nước về DTQG; Xây dựng cơ chế huy động nguồn dự trữ hiện vật trong dân sử dụng cho các tình huống đột xuất, cấp bách do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh theo định hướng của Nhà nước; Xây dựng phương án phối hợp giữa nguồn hàng DTQG do Nhà nước nắm giữ và dự trữ hiện vật trong dân để việc sử dụng cho mục tiêu DTQG đạt hiệu quả cao nhất; Đa dạng hóa các hình thức thuê ngoài cơ sở vật chất, công nghệ bảo quản, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc thù phục vụ cho hoạt động DTQG...
Về quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG, cần thiết thực hiện đồng bộ các nhiều giải pháp, đảm bảo danh mục, cơ cấu, phân bổ hàng DTQG phù hợp với mục tiêu DTQG; hoàn thiện công tác quản lý, nhập xuất, quản lý chất lượng hàng DTQG và sử dụng hàng DTQG sau xuất cấp đúng mục đích, đối tượng, định mức…. Theo đó, các nhóm giải pháp cần cân nhắc, triển khai gồm:
Một là, rà soát, cập nhật danh mục hàng DTQG theo hướng phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế hàng DTQG; Cân nhắc việc quy định ổn định lâu dài, ổn định danh mục nhóm mặt hàng DTQT tổng quát; Phân cấp thẩm quyền quy định danh mục mặt hàng DTQG chi tiết cho các bộ, ngành quản lý, tạo thuận lợi cho việc rà soát cập nhật danh mục, đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng và xu hướng phát triển khoa học, kỹ thuật...
Hai là, triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch DTQG với các chỉ tiêu về tổng mức, cơ cấu mặt hàng, cơ cấu phân bổ hàng DTQG theo địa bàn, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phòng chống thiên tai, thảm họa; Chiến lược, kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; Chiến lược, kế hoạch quốc phòng, an ninh quốc gia và các chiến lược, kế hoạch có liên quan khác.
Ba là, xây dựng hệ số phân bổ các mặt hàng DTQG thiết yếu, chiến lược sử dụng cho phòng chống thiên tai, thảm họa cho từng địa bàn phù hợp, đảm bảo cân đối giữa phân bổ hàng DTQG với nhu cầu sử dụng hàng DTQG của từng vùng, miền.
Bốn là, nâng cấp, đầu tư xây mới hệ thống kho DTQG phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng DTQG, đảm bảo kịp thời, hiệu quả của hoạt động DTQG;
Năm là, xây dựng cơ chế phối hợp, chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo sự điều phối hợp lý mặt hàng, lượng hàng DTQG của Trung ương, của địa phương và khu vực dân cư trên từng địa bàn, đảm bảo tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực DTQG từ nguồn NSTW, NSĐP và từ dân cư cho mục tiêu DTQG.
Sáu là, hoàn thiện và thường xuyên cập nhật hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàng DTQG và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật phí nhập xuất, bảo quản và hao hụt hàng DTQG;
Bảy là, xây dựng cơ chế phối hợp, hỗ trợ các địa phương, các đơn vị trực tiếp quản lý, phân bổ hàng DTQG sau xuất cấp trong việc quản lý, bảo quản hàng DTQG trong quá trình cấp phát đến đối tượng sử dụng; tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng hàng DTQG, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng...
Tài liệu tham khảo:
1. Luật số 22/2012/QH13 Dự trữ quốc gia;
2. Luật số 83/2015/QH13 Luật Ngân sách nhà nước;
3. Quyết định số 2091/QĐ-TTg ngày 28/12/2012 phê duyệt Chiến lượng phát triển Dự trữ quốc gia đến năm 2020;
4. Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia.