Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
Ngày 15/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập
Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế bao gồm: Nhân lực, vật lực và tài lực đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. Nguồn nhân lực dồi dào; con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, cần cù, sáng tạo; trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu của thị trường lao động. Lực lượng lao động có sự chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Nguồn lực tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có nhiều tiềm năng để khai thác, sử dụng; cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nâng cao đời sống nhân dân. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước. Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao, trình độ ngoại ngữ hạn chế, thiếu các kỹ năng mềm. Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập.
Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Chất lượng việc làm thấp, việc làm phi chính thức chiếm tỉ trọng cao. Năng suất lao động thấp so với các nước trong khu vực. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả. Diện tích đất sử dụng kém hiệu quả hoặc chưa sử dụng còn lớn; nhiều địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng đất bị hoang hoá, bị lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và gây thất thu ngân sách nhà nước.
Năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm được đổi mới. Việc phối hợp giữa các chủ thể quản lý tài nguyên khoáng sản chưa tốt, còn hiện tượng cát cứ và thiếu đồng bộ, liên thông giữa các vùng, miền, địa phương, làm giảm hiệu quả khai thác tài nguyên. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản, nguồn nước ngầm quá mức gây lãng phí và huỷ hoại môi trường còn xảy ra ở nhiều nơi. Thị trường tài nguyên khoáng sản chậm được hình thành, phát triển thiếu đồng bộ. Quan điểm đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên, môi trường chậm được triển khai, thể chế hoá và tổ chức thực hiện. Cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đầu tư vào kết cấu hạ tầng còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước; hoạt động xã hội hoá, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Khung khổ pháp lý còn thiếu, chưa đồng bộ; việc quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở hạ tầng còn bất cập. Hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tiền tệ chưa cao: Cân đối chi chưa gắn kết chặt chẽ với khả năng thu từ nền kinh tế; việc phân bổ các nguồn lực còn dàn trải, lãng phí; ứng chi và nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; bội chi ngân sách ở mức cao, nguồn lực dự trữ quốc gia còn hạn chế. Quản lý, sử dụng tài sản công còn kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Nợ xấu tuy đã được xử lý một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Việc dự báo, cân đối và quản lý quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chưa tốt.
Nhiệm vụ, giải pháp chung
Nghị quyết số 39-NQ/TW đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tiến tới trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 39-NQ/TW cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể đối với nguồn nhân lực, nguồn vật lực, nguồn tài lực đến năm 2025, 2035 và 2045. Để thực hiện các mục tiêu này, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng nguồn lực, Bộ Chính trị cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chung như:
Một là, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khơi thông, giải phóng tối đa và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực hiện có, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Hai là, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Ba là, cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ. Đổi mới cơ cấu thành phần kinh tế theo hướng bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tôn trọng tính phổ biến hơn là nhấn mạnh tính đặc thù; định vị vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tập trung vào định hướng, dẫn dắt và thực hiện những dịch vụ công, đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không đủ năng lực hoặc không có nhu cầu đầu tư.
Bốn là, nâng cao năng lực kiến tạo, quản trị quốc gia và năng lực tự chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, dự báo trên các lĩnh vực. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hoá đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ. Xây dựng và thực thi nghiêm các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn hành vi cửa quyền, độc quyền; cơ chế xin - cho; lợi ích nhóm; đẩy lùi tham nhũng, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Năm là, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trước mắt cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cụ thể vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn để chủ động hội nhập và hoà chung vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin về các nguồn lực trong nền kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; phân phối, chia sẻ và tái sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm gia tăng giá trị các nguồn lực của nền kinh tế.