Nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro thuế từ công tác thu thập thông tin
Thu thập thông tin có vai trò quan trọng trong công tác phân tích rủi ro. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về người nộp thuế giúp cho cơ quan Thuế nhận diện được các loại rủi ro, đánh giá các rủi ro cũng như phân tích hành vi của người nộp thuế.
Thu thập thông tin theo nhiều hình thức
Trong những năm qua, ngành Thuế đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp thu thập thông tin theo nhiều hình thức.
Thứ nhất là hình thức thu thập thông tin quản lý rủi ro từ dữ liệu quản lý thuế của cơ quan Thuế. Theo đó, ngành Thuế đã chuyển quản lý dữ liệu sang cơ chế quản lý tập trung. Dữ liệu về thuế được chuyển từ các địa phương về tập trung tại cơ quan Tổng cục Thuế. Việc thu thập thông tin này được đồng bộ thường xuyên và liên tục. Việc này đã tạo cơ sở cho việc phân tích rủi ro.
Tổng cục Thuế cũng đã thu thập dữ liệu từ các nguồn thông tin trong ngành như dữ liệu tờ khai thuế, Báo cáo tài chính… để xây dựng các bộ chỉ số tiêu chí lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra; phân loại hoàn thuế; hóa đơn. Việc phân tích dữ liệu tập trung đã mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý thuế như tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro.
Thứ hai, ngành Thuế thu thập thông tin thuộc Quy chế phối hợp giữa cơ quan Thuế và các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Trong những năm qua, ngành Thuế đã triển khai ký kết trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức bên ngoài. Theo đó, các thông tin từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài được thu thập để cơ quan thực hiện các biên pháp quản lý. Hiện tại, ngành Thuế đã ký kết 11 quy chế, thảo thuận trao đổi thông tin với các bộ, ngành: Bộ công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Tổng cục Thống kê. Các thông tin thu thập từ bên ngoài không chỉ giúp ngành Thuế giảm các thủ tục hành chính, mà còn giúp cơ quan thuế nâng quản lý rủi ro, nâng cao mức độ tuân thủ của người nộp thuế.
Qua công tác thu thập thông tin từ bên ngoài giúp cơ quan thuế phát hiện các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng không thực hiện nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế hay không khai báo đầy đủ, chính xác nghĩa vụ thuế phải nộp. Với sự bùng nổ của thương mại điện tử và cung cấp nội dung số, các giao dịch được thực hiện trên các nên tảng số. Tổng cục Thuế cũng thu thập các thông tin từ Bộ Công thương về sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử. Tổng cục Thuế thu thập thông tin từ ngân hàng giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.
Thứ ba, Tổng cục Thuế thu thập thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài cơ quan thuế theo quy định pháp luật. Liên quan đến quản lý thuế đối với thương mại điện tử, ngành Thuế đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiền hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua cổng thuông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố. Từ những dữ liệu thu thập được này, cơ quan Thuế thực hiện rà soát đưa ra danh sách người có nghĩa vụ thuế nhưng không kê khai, đối chiếu doanh thu thực tế trên sàn với doanh thu kê khai với cơ quan thuế.
Thứ tư, Tổng cục Thuế thu thập thông tin do báo chí, tổ chức, cá nhân cung cấp, phản ánh đến cơ quan thuế. Từ năm 2016, cơ quan thuế đã triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Công tác quản lý rủi ro được thực hiện qua các bước: nhận diện rủi ro, đánh giá các rủi ro; phân tích hành vi; xác định các biện pháp xử lý rủi ro; lập kế hoạch triển khai. Thông tin từ báo chí, tổ chức, cá nhân phản ánh là một trong những nguồn thông tin để cơ quan Thuế nhận diện rủi ro.
Thứ năm, Tổng cục Thuế thu thập theo hình thức mua tin từ nguồn bên ngoài cơ quan thuế. Hiện tại, nhiều cá nhân, tổ chức xây dựng hệ thống thu thập thông tin để cung cấp cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu. Để phát hiện các rủi ro dẫn đến thất thoát thuế, cơ quan thuế cần thu thập thông tin từ các tổ chức này. Đơn cử như thông tin chuyển giá. Với các thông tin này, cơ quan thuế phát hiện và thực hiện thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc danh sách này.
Thứ sáu, thu thập thông tin từ cơ quan thuế nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài. Hiện cơ quan thuế đã ký nhiều hiệp định thuế với các cơ quan thuế nước ngoài. Trong các hiệp định có các nội dung về trao đổi thông tin. Với các thông tin được trao đổi, cơ quan Thuế Việt Nam xác định được các rủi ro tiềm tàng cũng như đề nghị các cơ quan thuế nước ngoài xác minh các doanh nghiệp nước giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, cơ quan Thuế Việt Nam đã đẩy mạnh thu thập các thông tin về doanh nghiệp nước ngoài để xác định công ty đó có tồn tại không; tránh các rủi ro về tạo lập công ty ma ở nước ngoài, chiếm dụng tiền hoàn thuế.
Cần xây dựng một đơn vị có đủ chức năng, thẩm quyền
Tổng cục Thuế cho biết, hiện nhiều thông tin thu thập được nhưng vẫn ở dạng văn bản, chưa được chuyển sang dưới dạng điện tử. Do đó, cơ quan thuế mất nhiều thời gian xử lý đưa lên hệ thống. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng cổng thông tin quốc gia, các ban ngành và ngành Thuế cần đồng bộ dữ liệu để khai thác điện tử, tự động.
Để bổ sung nguồn thông tin phục vụ cho công tác quản lý thuế và phân tích rủi ro, Tổng cục Thuế kiến nghị cơ quan thuế và các đơn vị liên quan cần thường xuyên rà soát quy chế, quy định kịp thời sửa đổi để thu thập thông tin điện tử.
Với số lượng lớn của các thông tin thu thập được, ngành Thuế cần nhiều cán bộ, công chức có kỹ năng phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, sự hạn chế về kỹ năng thu thập và xử lý thông tin của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay còn làm ảnh hưởng đến chất lượng thông tin. Cụ thể: thông tin chậm, chưa đầy đủ; nội dung thông tin còn sơ sài, chất lượng thấp, thiếu tính tổng hợp… Do đó, đội ngũ cán bộ, công chức được phân công công tác thu thập thông tin cần phải được đào tạo thường xuyên.
Với yêu cầu thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu số lớn phục vụ phân tích rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ của người nộp thuế, dữ liệu cần tập trung và được quản lý tại cấp Tổng cục Thuế, ngành Thuế cần xây dựng một đơn vị có đủ chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý để thực hiện thu thập xử lý dữ liệu, phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả công tác quản lý tuân thủ người nộp thuế.