Ban hành Quy trình áp dụng quản lý rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế
Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định 98/QĐ-TCT về Quy trình áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) lựa chọn hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Theo Tổng cục Thuế, việc ban hành quy trình nhằm mục đích hướng dẫn cơ quan thuế thực hiện thu thập, phân tích, đánh giá thông tin lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chuẩn hóa các nội dung và các bước công việc, tạo sự thống nhất khách quan trong công tác lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
Quy trình này cũng nhằm hiện đại hóa công tác lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB để nâng cao khả năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời người nộp thuế có hành vi kê khai sai, trốn thuế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Cơ quan thuế thực hiện thu thập, cập nhật và xử lý thông tin nhằm đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi phân tích rủi ro, lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB của người nộp thuế để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Thông tin phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro, lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB của người nộp thuế để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được thu thập từ cơ sở dữ liệu ngành Thuế, được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp để thực hiện công tác quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế, công chức thuế thực hiện thu thập, xử lý thông tin theo quy trình thu thập, khai thác thông tin phục vụ QLRR trong quản lý thuế ban hành tại Quyết định số 86/QĐ-TCT ngày 08/02/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Ban QLRR và Cục Công nghệ thông tin thuộc Tổng cục Thuế sử dụng các chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro do Tổng cục Thuế ban hành đưa vào ứng dụng QLRR trong công tác lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế như sau: Bộ chỉ số tiêu chí lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được ban hành theo Quyết định số 1582/QĐ-TCT ngày 06/10/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế được áp dụng thống nhất trên toàn quốc đối với mẫu số 01/GTGT, 03/TNDN, 01/TTĐB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trường hợp Bộ chỉ số tiêu chí nêu trên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo Bộ chỉ số tiêu chí sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Trong quá trình triển khai áp dụng, nếu cục thuế có đề xuất bổ sung, sửa đổi tiêu chí, chỉ số tiêu chí cho phù hợp với công tác quản lý thuế, cục thuế có văn bản gửi Tổng cục Thuế (Ban QLRR) nêu rõ lý do, cơ sở lập tiêu chí chỉ số; công thức tính; điểm số, trọng số của từng tiêu chí, chỉ số tiêu chí.
Theo yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ, Tổng cục Thuế ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung chỉ số tiêu chí. Ban QLRR chủ trì phối hợp với các vụ, đơn vị, cục thuế nghiên cứu, tham mưu trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành bổ sung hoặc điều chỉnh các chỉ số tiêu chí phân tích rủi ro. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm xây dựng, nâng cấp các phần mềm ứng dụng liên quan đáp ứng việc đưa các chỉ số tiêu chí do Tổng cục Thuế ban hành vào ứng dụng QLRR để phân tích đánh giá lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB có dấu hiệu rủi ro kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Việc phân tích, đánh giá, phân loại mức độ rủi ro để lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế được thực hiện tự động, tập trung trên ứng dụng QLRR. Định kỳ hàng tháng, bộ phận QLRR tại cơ quan thuế các cấp quản lý trực tiếp người nộp thuế phối hợp với bộ phận Tin học sử dụng ứng dụng QLRR để lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB của người nộp thuế như sau: Đối với hồ sơ khai thuế GTGT, TTĐB: việc đánh giá, phân loại mức độ rủi ro được thực hiện định kỳ vào ngày 25 hàng tháng. Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ khai thuế sửa đổi, bổ sung thì việc đánh giá, phân loại lại mức độ rủi ro của hồ sơ khai thuế có sửa đổi, bổ sung được thực hiện vào ngày 25 tháng sau.
Đối với hồ sơ khai thuế TNDN, việc đánh giá, phân loại mức độ rủi ro được thực hiện định kỳ vào ngày 25/4. Trường hợp người nộp thuế có kỳ khai thuế TNDN khác năm dương lịch hoặc có sửa đổi, bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN thì việc đánh giá, phân loại mức độ rủi ro được thực hiện định kỳ vào ngày 25/4, ngày 25/7 và ngày 25/10.
Trên cơ sở tổng điểm rủi ro của hồ sơ khai thuế và ngưỡng rủi ro, ứng dụng QLRR tự động phân loại mức độ rủi ro với mỗi hồ sơ khai thuế GTGT, TNDN, TTĐB theo một trong ba mức: rủi ro cao, rủi ro trung bình, rủi ro thấp.
Lãnh đạo bộ phận thanh kiểm tra thuế căn cứ danh sách người nộp thuế có hồ sơ khai thuế rủi ro cao thực hiện phân công công chức trực tiếp xử lý hồ sơ để kiểm tra. Căn cứ trên danh sách được phân công, công chức thuế thực hiện rà soát, kiểm tra các nội dung theo kết quả phân tích của từng chỉ số tiêu chí.
Trường hợp người nộp thuế qua đánh giá phân loại thuộc danh sách có hồ sơ khai thuế rủi ro cao nhưng khi thực hiện rà soát, kiểm tra thực tế hai (02) kỳ khai thuế trước không phát sinh hành vi vi phạm pháp luật về thuế sẽ được tiếp tục đưa vào phân tích, đánh giá rủi ro sau thời hạn sáu (06) tháng kể từ khi có kết quả kiểm tra.
Trường hợp cơ quan thuế trong quản lý thuế có thông tin tin cậy làm giảm mức độ rủi ro của người nộp thuế tới mức thấp hoặc có cơ sở cho rằng mức độ rủi ro hồ sơ khai thuế của người nộp thuế là thấp thì cơ quan thuế quyết định không lựa chọn người nộp thuế đó để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Trường hợp có thông tin tin cậy xác định người nộp thuế có hồ sơ khai thuế rủi ro cao thì cơ quan thuế lựa chọn bổ sung vào kế hoạch kiểm tra.
Tổng cục Thuế giao Ban QLRR chủ trì phối hợp với Cục Thanh tra Kiểm tra thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình này. Các vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Lãnh đạo cơ quan thuế các cấp chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện theo các quy định tại Quy trình này; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình của các đơn vị thuộc quyền quản lý.