Nâng cao hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trong những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã phát triển rộng khắp trên cả nước, đa dạng về loại hình tổ chức và chú trọng nâng cao trình độ đào tạo.
Tuy nhiên, hiện nay, về tổng thể, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bổ ở các địa phương còn khá dàn trải và chồng chéo, chất lượng đào tạo không đồng đều, thực hiện vấn đề tự chủ tài chính còn hạn chế… cần sớm có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Tình hình quy hoạch mạng lưới của cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Có thể thấy, việc quy hoạch tổng thể mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung và các cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển GDNN của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Qua đó, nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở GDNN, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của cả nước và hội nhập quốc tế.
Số liệu thống kê của Tổng cục GDNN cho thấy, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở GDNN gồm: 397 trường cao đẳng (309 trường công lập; 83 trường tư thục; 4 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 519 trường trung cấp (283 trường công lập; 235 trường tư thục; 01 trường có vốn đầu tư nước ngoài), 1.032 trung tâm GDNN (697 trung tâm công lập; 346 trung tâm tư thục; 2 trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài).
Các cơ sở GDNN tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng Sông Hồng (chiếm tỷ lệ 30%), tiếp đến vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (chiếm tỷ lệ 20,7%) và vùng Đông Nam Bộ (chiếm tỷ lệ 15%). Vùng Tây Nguyên có số lượng cơ sở GDNN thấp nhất so với cả nước (chiếm tỷ lệ 5,3%).
Sau 6 năm thực hiện, Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 45 trường trên địa bàn 26 tỉnh/thành phố ở cả 3 miền được lựa chọn tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo các nghề được các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế công nhận.
Cùng với đó, triển khai Quyết định số 761/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/11/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký ban hành Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt danh mục ngành, nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia (62 nghề cấp độ quốc tế, 93 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 134 nghề cấp độ quốc gia). Các nghề trọng điểm đã được các bộ, ngành, địa phương đề xuất căn cứ vào nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại 63 địa phương.
Tồn tại, hạn chế trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và độ bao phủ trên khắp cả nước của các cơ sở GDNN, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN nói chung và cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng trong những năm qua cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, cụ thể như sau:
Một là, một số nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm của trường chất lượng cao như: Khảo sát địa hình, bảo vệ môi trường biển, cơ điện lạnh thủy sản, xây dựng cầu đường bộ… gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp, thậm chí có nghề không tuyển sinh được học viên.
Hai là, nhiều cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, diện tích sử dụng cho đào tạo đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, trong khu vực nội thành.
Ba là, phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp; trong khi việc quy định mức trần thu học phí ở mức cao chưa khả thi nên việc đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành tại các cơ sở GDNN gặp không ít khó khăn.
Bốn là, việc triển khai thực hiện xã hội hoá GDNN còn chậm, lúng túng, chưa đồng đều tại các tỉnh, thành phố, địa phương. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội chưa tích cực tham gia đầu tư vào GDNN…
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và phát huy những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch cơ sở GDNN nói chung và cơ sở GDNN chất lượng cao nói riêng, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng các nguyên tắc sáp nhập, có lộ trình tự chủ của các cơ sở GDNN công lập theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo hoạt động hiệu quả của các cơ sở GDNN sau khi sắp xếp và từng bước thực hiện việc tự chủ theo quy định.
Thứ hai, cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, trường cao đẳng hoạt động kém hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ ba, từng bước chuyển cơ sở GDNN công lập thuộc các bộ, ngành trung ương về chính quyền địa phương quản lý.
Thứ tư, đối với các cơ sở GDNN công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ, các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp cần thiết phải xem xét để sáp nhập với các cơ sở GDNN khác thì phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động hiệu quả sau sắp xếp và được sự đồng thuận của các cơ sở GDNN.
Thứ năm, khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở GDNN.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;
2. Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp;
3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
4. Trương Anh Dũng (2019), Thực trạng và định hướng sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghenghiep/thuc-trang-va-dinh-huong-sap-xep-co-so-giao-duc-nghe-nghieptrong-thoi-gian-toi-203.html;
5. Yêu cầu trong quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp, http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/xa-hoi/yeu-cau-trong-quy-hoach-co-so-giao-ducnghe-nghiep-124231.