Nâng cao hiệu quả tham gia tố tụng tại Tòa

Theo baohaiquan.vn

Nhằm đưa công tác xử lý tố tụng hành chính tại Tòa đi vào thực chất và đạt hiệu quả khi thực hiện trong thực tế, Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định 2587/QĐ-TCHQ ban hành Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục, tham gia tố tụng hành chính tại Tòa án của cơ quan Hải quan.

CBCC Hải quan Lạng Sơn trao đổi về chính sách hàng hóa với đại diện doanh nghiệp. Nguồn: PV.
CBCC Hải quan Lạng Sơn trao đổi về chính sách hàng hóa với đại diện doanh nghiệp. Nguồn: PV.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 28/7/2017 và thay thế Quyết định 2901/QĐ-TCHQ ngày 1/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục tham gia tố tụng hành chính tại Tòa của cơ quan Hải quan.

Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn chi tiết các trình tự, thủ tục tham gia tố tụng hành chính tại Tòa án từ bước chuẩn bị tham gia phiên tòa; tham gia tòa sơ thẩm; tham gia thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính; tham gia tố tụng hành chính tại Tòa theo thủ tục rút gọn; tham thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Trong đó, các CBCC đại diện tham gia bảo vệ quyền lợi của cơ quan Hải quan khi phát sinh các vụ kiện tại Tòa hành chính cần nắm rõ quy trình, thủ tục, xem xét lại các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện để củng cố các chứng cứ, lập luận để tham gia tố tụng; thu thập, giao nộp chứng cứ; chuẩn bị phương án tham gia bằng các nội dung  vụ việc, lý lẽ, yêu cầu người khởi kiện, đặc biệt chuẩn bị nội dung trình bày ý kiến của cơ quan Hải quan, đề cương xét hỏi, tranh luận; tham gia lấy lời khai, đối chất; tham dự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại.

Phần tham gia tranh tụng tại phiên tòa, cơ quan Hải quan cần phân công công chức theo dõi, ghi chép đầy đủ lời trình bày của người khởi kiện để phát hiện những tình tiết có sự mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế khách quan hoặc các chứng cứ khác của vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ để điều chỉnh đề cương cho phần hỏi và chuẩn bị câu hỏi mới. 

Đặc biệt, cơ quan Hải quan khi phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của Tòa án mà cơ quan Hải quan không biết khi được Tòa án ra bản án, quyết định thì có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. ..

Để công tác xử lý tố tụng hành chính tại Tòa trong lĩnh vực hải quan đạt hiệu quả, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng đơn vị hải quan các cấp thường xuyên chỉ đạo CBCC thuộc quyền cập nhật, nghiên cứu các văn bản pháp luật và các văn bản hành chính làm cơ sở tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định. 

Đồng thời, ban hành quyết định phải đảm bảo chính xác, đầy đủ nội dung, đúng thể thức, hành vi hành chính phải thực hiện đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo hoặc phát sinh khởi kiện vụ án hành chính.

Cơ quan Hải quan các cấp cần thường xuyên tiến hành tự kiểm tra, xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, nếu thấy có sai sót, không đúng quy định thì kịp thời sửa chữa, khắc phục. 

Đặc biệt, các đơn vị cần chủ động, tích cực tiến hành đối thoại, giải quyết các vướng mắc của DN, người vi phạm trước, trong và sau khi quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính, chú trọng công tác giải quyết khiếu nại.