Để doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay
Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trở thành một trong những rào cản phổ biến nhất khi thực hiện hoạt động khởi nghiệp. Làm thế nào để tiếp cận vốn vay hiệu quả là vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo các chuyên gia, cần tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay trong nước bằng con đường truyền thống là vay vốn của tổ chức tín dụng.
Với quy định và các điều kiện ràng buộc chặt chẽ “trách nhiệm của người quyết định cho vay” như hiện nay sẽ có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) không thể tiếp cận được với vốn tín dụng từ chính các tổ chức tín dụng.
Cũng theo các chuyên gia, để giải quyết những vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cần quy định rõ điều kiện cấp tín dụng cho nhóm chủ thể mới này. Ngoài ra, cần có quy định ưu đãi hoặc cơ chế tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn để cho vay đối với DNKN với tỷ trọng lớn. Chỉ có cách thức như vậy, cơ hội có vốn của các DNKN mới có khả năng trở thành hiện thực.
Đối với các tổ chức tín dụng, nên đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm cho vay, tạo điều kiện cho nhóm chủ thể DN nhỏ và vừa, DNKN có cơ hội tiếp cận vốn. Chẳng hạn, rút ngắn quy trình cấp tín dụng, phát triển hoạt động cho vay khép kín từ khâu cho vay đến giám sát sử dụng vốn thông qua kiểm soát dòng tiền của toàn bộ quá trình (từ khâu thu mua, sơ chế, sản xuất, xuất khẩu và thanh toán…)
Bên cạnh việc rút gọn quy trình cấp tín dụng, các tổ chức tín dụng cũng cần sử dụng tối đa thông tin có được về khách hàng vay vốn - DNKN. Nguồn thông tin tiếp cận quan trọng chính là báo cáo tài chính của DN. Đây là tài liệu quan trọng để bên cho vay “chấm điểm tín dụng đối với khách hàng”, qua đó có cơ sở cho việc quyết định cho vay.
Ngoài nguồn vốn tín dụng, một nguồn vốn quan trọng khác là từ các quỹ hỗ trợ. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp cùng với các bộ, ngành có liên quan để thực hiện cơ chế bảo lãnh vay vốn cho các DN nhỏ và vừa, hay DNKN.
Cùng với đó, sớm thành lập các quỹ đặc biệt của Nhà nước dành cho các DNKN như: Quỹ đầu tư tác động, Quỹ sáng kiến trong giai đoạn đầu, Quỹ đầu tư mạo hiểm theo ngành nghề của Nhà nước... Hoạt động của các quỹ này bên cạnh nguồn vốn “mồi” của Nhà nước, cũng có thể áp dụng cơ chế “xã hội hóa” nguồn vốn. Phương thức xã hội hóa có thể cân nhắc thực hiện như gọi vốn cộng đồng, góp vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đặc biệt, cần có quy định pháp lý cụ thể về hoạt động của các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Theo đó, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về trình tự thủ tục đăng ký kêu gọi vốn tại các quỹ, cũng như giảm thiểu gánh nặng tài chính, miễn thuế trong giai đoạn khởi nghiệp, cung cấp các dịch vụ liên quan đến thủ tục đăng ký vay vốn, cung cấp phần mềm kế toán…
Đồng thời, các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các văn bản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng DN nhỏ và vừa, Quỹ đầu tư khởi nghiệp nói chung và DNKN nói riêng.
Với Quỹ đầu tư cho DN, cần cân nhắc nới rộng giới hạn khoản hỗ trợ tài chính, tránh tình trạng “rải mành mành”, mục tiêu đầu tư sẽ không đạt được.
Thực tế cho thấy, để nhận được nguồn tài chính trực tiếp từ quỹ đầu tư thường rất khó khăn, vì vậy Nhà nước có thể áp dụng đầu tư công (theo địa chỉ và đơn đặt hàng) để hình thành những vườn ươm khởi nghiệp có quy mô lớn.