Nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập
(Taichinh) - Cạnh tranh ra đời và phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập, cùng với những đặc điểm vốn có, đã xuất hiện những đặc điểm mới của cạnh tranh. Phát huy vai trò của Nhà nước trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia là vấn đề quan trọng đặt ra cho mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Xu hướng cạnh tranh
Trước đây, cạnh tranh thường diễn ra chủ yếu theo các sản phẩm cụ thể của từng chủ thể riêng biệt trên từng thị trường. Ngày nay, ranh giới ấy có xu hướng mờ dần do sự tác động của quá trình liên kết khu vực và toàn cầu với sự xuất hiện của các hiệp định đa phương về tự do hoá thương mại, xoá bỏ sự bảo hộ bằng thuế. Hơn nữa, ngoài sự cạnh tranh giữa các sản phẩm, giữa các DN, còn có cạnh tranh giữa các quốc gia và khu vực. Điều này làm cho vai trò của Nhà nước trong tổ chức các hoạt động kinh tế ngày càng tăng. Ngoài chính sách cạnh tranh của các DN, còn có chính sách cạnh tranh quốc gia do Nhà nước soạn thảo và tổ chức thực hiện. Nhà nước còn tham gia vào các tổ chức liên kết khu vực với những cam kết ở những mức độ lỏng, chặt khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thuộc nước mình tham gia chủ động và có hiệu quả vào đời sống kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, xu thế mới cũng khiến quá trình cạnh tranh luôn gắn với quá trình liên kết. Cạnh tranh thúc đẩy sự liên kết để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của các chủ thể kinh tế; sự liên kết tạo hậu thuẫn tăng cường khả năng cạnh tranh của từng chủ thể riêng biệt và của toàn bộ tổ chức liên kết. Trong điều kiện phát triển mới, cường độ cạnh tranh không hề giảm bớt mà có xu hướng gia tăng với những kết quả hoặc những tổn thất không lường. Phạm vi liên kết cũng ngày càng được mở rộng: liên kết giữa các nước trong cùng một khu vực; liên kết giữa các chủ thể của nhiều nước; liên kết giữa các nước trong phạm vi toàn cầu. Việc hình thành các tổ chức kinh tế liên quốc gia tạo thành thế lực mạnh trong cạnh tranh toàn cầu. Một đặc điểm độc đáo của quá trình này là các nước tham gia vào quan hệ liên kết lại có trình độ phát triển rất chênh lệch nhau. Trong điều kiện này, việc đảm bảo lợi ích thoả đáng của tất cả các thành viên là điều cực khó khăn bởi lẽ liên kết không hoàn toàn xoá bỏ cạnh tranh giữa các nước thành viên.
Các yếu tố tạo nên sức mạnh cạnh tranh có sự ràng buộc, ước định lẫn nhau. Xét trong cạnh tranh sản phẩm, thường người ta cho rằng trong thời đại ngày nay, cạnh tranh về chất lượng trở thành yếu tố hàng đầu. Quan niệm về chất lượng được mở rộng, không chỉ là chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu khách hàng, mà chất lượng của dịch vụ bán và dịch vụ sau bán… Như vậy, cạnh tranh về chất lượng đã hàm chứa cả cạnh tranh về phương thức bán, dịch vụ và giá cả.
Trong phạm vi quốc gia, yếu tố tạo nên khả năng cạnh tranh là đánh giá đúng và phát huy được lợi thế của đất nước khi tham gia các quan hệ kinh tế quốc tế. Trong thời đại ngày nay, với nhiều nước, chủ yếu là các nước đang phát triển, nhiều yếu tố lâu nay vẫn được đánh giá là lợi thế nhưng thật ra lại là những bất lợi với quá trình phát triển và hội nhập. Chẳng hạn, nhân công dồi dào và giá nhân công rẻ thường được đánh giá là lợi thế nổi trội của các nước đang phát triển nhưng các nước này lại chỉ có thể phát triển các ngành sử dụng nhiều nhân công, trình độ công nghệ không cao, năng suất và hiệu quả thấp. Với tình hình này, khoảng cách chênh lệch giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển sẽ ngày càng mở rộng, sự bất lợi trong thương mại quốc tế luôn nghiêng về phía các nước đang phát triển. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, nếu các nước này không có chính sách thích hợp, những khó khăn cản trở sẽ lớn hơn nhiều so với các cơ hội phát triển.
Với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, trình độ khoa học công nghệ và tốc độ đổi mới công nghệ là những yếu tố cơ bản tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và quốc gia. Điều này bảo đảm lợi thế của mỗi chủ thể trên thị trường. Việc đổi mới công nghệ luôn gắn với yêu cầu thoả mãn tốt nhất yêu cầu của sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi những điều kiện về tài chính, nhân lực, tổ chức lại sản xuất… Các nước phát triển có nhiều thuận lợi hơn các nước đang phát triển trong việc đảm bảo những điều kiện này.
Vai trò của Nhà nước trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh
Bên cạnh những yếu tố tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những rủi ro và thách thức lớn trên các mặt sau: Khó khăn trong việc bảo đảm những lợi ích kinh tế trong thương mại quốc tế khi khả năng cạnh tranh còn thấp kém; Khả năng xảy ra những xáo trộn cả về kinh tế và xã hội; Khó khăn trong việc bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội… Với các nước đang phát triển do trình độ còn thấp kém, những khó khăn và thách thức có vẻ đậm nét hơn những cơ hội. Song, trong điều kiện hiện nay, vấn đề đặt ra cho mỗi DN và mỗi nước không phải là tham gia hay không vào các quan hệ kinh tế quốc tế mà là tham gia bằng cách nào và với mức độ nào để đảm bảo được hiệu quả của quá trình này.
Việc mở rộng phạm vi đầu tư cũng tạo nên áp lực cạnh tranh với các nước và các DN. Ngày nay, đầu tư diễn ra theo các dòng sau: (1) Đầu tư giữa các nước phát triển; (2) Đầu tư từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển; (3) Đầu tư giữa các nước đang phát triển. Trong quá trình đầu tư cũng xuất hiện những mâu thuẫn về lợi ích và do đó tồn tại các quan hệ cạnh tranh có tính chất truyền thống: cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong cùng một nước và giữa các nhà đầu tư thuộc các nước khác; cạnh tranh giữa bên đầu tư và bên nhận đầu tư, cạnh tranh giữa các bên đầu tư… Quá trình tự do hoá đầu tư làm đầu tư được mở rộng ra phạm vi toàn cầu và cạnh tranh đầu tư cũng được mở ra tương ứng.
Với các nước đang phát triển, khi khả năng cạnh tranh còn thấp kém, việc trì hoãn quá trình hội nhập quốc tế do e ngại những thiệt thòi và tổn thất có thể gặp phải là một thực tế. Về nguyên tắc, chính sách của Nhà nước cần hướng tới là tăng khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế và từng DN, cũng như có sự bảo hộ hợp lý cho nền sản xuất còn thấp kém của mình. Chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ quyền lợi của mỗi nước khi tham gia vào quá trình thương mại quốc tế trong điều kiện có những bất lợi do chênh lệch trình độ. Với việc tham gia vào các cam kết quốc tế, bảo hộ bằng thuế quan theo kiểu truyền thống không còn điều kiện tồn tại. Trong bảo hộ phi thuế quan, chính sách trợ giá của Nhà nước với hàng xuất khẩu hoặc hạn ngạch cũng có xu hướng dần bị xoá bỏ.
Trong khi tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của các nước, các tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu đều đặt ra tiến trình cụ thể có giới hạn cho các nước đang phát triển trong việc hướng tới sự “bình đẳng” trong tham gia các quan hệ kinh tế quốc tế. Trong điều kiện này, Nhà nước cần chú ý tới một số công việc chủ yếu sau đây:
Một là, làm cho các DN thấy rõ tính tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế và tính cấp thiết phải nâng cao khả năng cạnh tranh. Suy đến cùng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của các DN: chỉ khi nào các DN mạnh, nền kinh tế quốc gia mới mạnh, Nhà nước không thể làm thay các DN trong cạnh tranh quốc tế.
Hai là, công bố công khai tiến trình hội nhập đầy đủ theo các cam kết quốc tế. Việc xác định tiến trình này đã tính đến khoảng thời gian đủ để các DN nếu có nỗ lực cao và có hành động hữu hiệu có thể giảm thiểu rủi ro trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tiến trình này thể hiện việc giảm dần cường độ bảo hộ của Nhà nước với sản xuất trong nước.
Ba là, hỗ trợ các DN nâng cao khả năng cạnh tranh bằng những chính sách thích hợp. Trong đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các DN đổi mới công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường; tạo hạ tầng kinh tế xã hội thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh…