Quản lý thuế đối với hộ kinh doanh:
Cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả
(Taichinh) - Đơn giản về cơ chế chính sách, thủ tục khai nộp thuế, minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp, tin học hoá các quy trình quản lý... là những giải pháp mà ngành thuế đã và đang quyết liệt triển khai nhằm cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh - HKD (gồm cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh và hộ gia đình) đã thể hiện vai trò đối với nền kinh tế về số lượng tham gia, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh ở hầu hết các vùng địa lý trong cả nước và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Đặc điểm chung về kinh doanh của khu vực này là trình độ kinh doanh, khả năng tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về thuế nói riêng của các chủ thể chưa cao, do hầu hết các HKD hoạt động ở quy mô nhỏ, chủ yếu là phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập, nên kinh doanh theo kinh nghiệm, không thực hiện chế độ số sách kế toán, không thực hiện khai và nộp thuế theo thu nhập (doanh thu trừ chi phí) mà chủ yếu nộp thuế theo phương pháp khoán (nộp theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu)...
Trên thực tế, các dạng thức của HKD phải quản lý thuế cũng rất phức tạp: có dạng hộ chưa đến mức phải nộp thuế GTGT chỉ phải thu thuế môn bài; có HKD đến mức phải nộp thuế, HKD ngừng nghỉ (có hoặc không thông báo với cơ quan thuế) không nộp thuế, hộ không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh theo mùa vụ, không thường xuyên, không có địa điểm kinh doanh cố định... Chính vì vậy mà dù tỷ lệ đóng góp trong tổng thu NSNN không cao (khoảng 2%), song do số lượng khá đông, phạm vi phủ sóng rộng khắp các địa bàn, nên việc quản lý thuế đối với HKD thường tốn nhiều chi phí hơn so với các nhóm đối tượng khác, nhất là về nhân lực. Theo đó, ngoài số cán bộ thuế trực tiếp quản lý chiếm khoảng 21% tổng số CBCC toàn ngành thuế, công tác quản lý HKD còn phải huy động sự tham gia của đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương (hội đồng tư vấn thuế xã, phường)
và của cả người dân trong việc xác định doanh thu khoán và mức thuế khoán đảm bảo sát với thực tế phát sinh.
Xác định đây là một trong những nút thắt cần phải nhanh chóng tháo gỡ để thúc đẩy quá trình cải cách thuế thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao cạnh tranh quốc gia, trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp. Về thể chế, đã tiến hành đơn giản hoá về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người nộp thuế tự tính, tự khai và tự nộp được thuế (quy định tại Luật số 71/2014/QH13) để áp dụng từ năm 2015; đã áp dụng cách tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu (nếu trên 100 triệu đồng/năm) thay cho cách tính thuế phức tạp theo biểu thuế lũy tiến từng phần và thực hiện khai thuế chủ yếu 1 năm/lần để cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính thuế cho HKD.
Thời gian vừa qua, Tổng cục Thuế đang tiến hành hoàn thiện quy trình quản lý thuế đối với HKD theo hướng: tăng cường công khai, minh bạch để người dân, người nộp thuế, các ban ngành của địa phương được biết và tham gia ý kiến từ khâu lấy ý kiến về dự kiến mức thuế phải nộp đến sau khi duyệt và thông báo mức thuế phải nộp; công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của ngành thuế về doanh thu khoán, mức thuế khoán phải nộp của từng hộ kinh doanh hàng năm, cập nhật sự thay đổi hàng tháng; công khai đường dây nóng nhận phản ánh của người dân; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về doanh thu khoán và mức thuế khoán trên địa bàn theo các chỉ tiêu kinh doanh như: ngành nghề, diện tích, thời gian, số lượng lao động, số lượng hóa đơn sử dụng, theo địa bàn: đường phố, phường/quận; thôn, xã/ huyện.., từ đó xây dựng bộ tiêu chí quản lý thuế theo rủi ro đối với nhóm đối tượng này trên cơ sở tăng cường sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế cấp trên khi lập, duyệt sổ bộ thuế, tăng cường trách nhiệm của cán bộ thuế quản lý trực tiếp.triển khai đề án đánh giá hiệu lực hiệu quả của hội đồng tư vấn thuế xã, phường để tăng cường, nâng cao vai trò và sự giám sát của các các cấp các ngành.
Ngoài ra, nhằm công khai, minh bạch hoá công tác quản lý, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối với HKD phù hợp với mô hình, hình thức kinh doanh của lĩnh vực này; tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp của các ban ngành tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn trong việc tuyên truyền khi niêm yết công khai lấy ý kiến về doanh thu, mức thuế khoán, điều tra doanh thu khoán, rà soát đối tượng quản lý thuế; tuyên dương khen thưởng người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật về thuế; khuyến khích HKD phản ánh, tố cáo các trường hợp cán bộ thuế có các hành vi vi phạm quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Công chức.
Đặc biệt, theo kế hoạch, ngành Thuế sẽ phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu các hộ kinh doanh đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp chuyển thành DN để thực hiện nghĩa vụ thuế theo cơ chế tự khai tự nộp thuế, không nộp thuế theo phương pháp khoán như hiện nay, tiến tới sự minh bạch, bình đẳng trong thực hiện pháp luật về kinh doanh và pháp luật về thuế của các HKD.