Nâng cao khả năng tuân thủ kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại huyện Cầu Kè, Trà Vinh
Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng quy định, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết ở địa phương. Thông qua thu thập dữ liệu thứ cấp về ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2017 từ Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh, Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, Phòng Tài chính huyện Cầu Kè, đồng thời khảo sát trực tiếp 95 cán bộ làm công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại tỉnh Trà Vinh... bài viết đánh giá công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua các khâu: Dự toán, chấp hành chi quyết toán và thanh kiểm tra. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng tuân thủ kiểm soát chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện Cầu Kè thời gian tới.
Thực trạng công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại huyện Cầu Kè
Huyện Cầu Kè nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Trà Vinh. Huyện có 246,62 km2 diện tích tự nhiên, dân số 111.859 người (30.593 hộ), mật độ 453,57 người/km2, có 10 xã và 1 thị trấn với 70 ấp – khóm, có 19.929,53 ha đất nông nghiệp (80,81% đất tự nhiên), trong đó 10.277,77 ha trồng lúa.
Các số liệu thống kê cho thấy, chi ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2015 của Huyện giảm so với năm 2014, năm 2016 giảm so với năm 2015 do chưa chi trả các chế độ chính sách bổ sung có mục tiêu phát sinh trong năm nhưng không có đối tượng chi trả phải chuyển nguồn sang năm sau. Chi NSĐP của Huyện năm 2017 tăng so với năm 2016 do một số chế độ, định mức được tăng thêm khi thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách mới (giai đoạn 2017-2020).
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB): Ngân sách Tỉnh giao trong dự toán hoặc bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Huyện để chi đầu tư XDCB từ nguồn thu tiền sử dụng đất (qua chuyển mục đích sử dụng và qua bán đấu giá đất) được hưởng theo tỷ lệ % trên địa bàn Huyện; bổ sung từ ngân sách cấp trên vốn đầu tư XDCB thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững). Dự phòng ngân sách không có nhu cầu sử dụng đến hết năm tài khóa được chuyển vào kết dư ngân sách Huyện, nguồn tăng thu ngân sách Huyện được hưởng, nguồn vốn đã bố trí cho các công trình không sử dụng hết (qua đấu thầu, hết nhiệm vụ chi).
Thống kê cho thấy, tổng chi đầu tư XDCB của huyện Cầu Kè trong những năm qua liên tục tăng, chiếm tỷ trọng đầu tư lớn là các lĩnh vực giao thông và giáo dục - đào tạo, kế đến là hành chính và y tế do xây dựng các tiêu chí cứng trong xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế - xã hội của Huyện, các lĩnh vực còn lại từng bước được quan tâm đầu tư theo thực tế của địa phương.
Về chi thường xuyên: Tổng chi thường xuyên ngân sách huyện Cầu Kè tăng, giảm qua các năm. Năm 2015 phát sinh chi tăng lương cơ sở từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng trong cân đối chi thường xuyên. Năm 2016, 2017, tăng lương cơ sở không quyết toán chi thường xuyên mà chi bổ sung ngoài dự toán từ ngân sách Tỉnh bổ sung cho ngân sách Huyện.
Chi cho hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, chi quản lý hành chính, chi sự nghiệp kinh tế... chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khoản chi. Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tập trung vào giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục về số lượng và chất lượng; Chi quản lý hành chính (gồm chi hoạt động của Đảng, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và khối đoàn thể Huyện) tập trung vào chi lương, phụ cấp và chi hoạt động cho các đơn vị quản lý hành chính cấp Huyện; Chi sự nghiệp kinh tế tập trung chủ yếu vào duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông do Huyện quản lý, phát triển nông nghiệp và thủy lợi, bảo vệ môi trường, phát triển các mô hình xây dựng nông thôn mới, các chính sách góp phần phát triển kinh tế của Huyện, đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện đời sống của nhân dân.
Riêng năm 2017, Trung ương, Tỉnh bố trí thêm kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa; chi đảm bảo xã hội chủ yếu chi bảo trợ xã hội, thăm hỏi động viên gia đình chính sách và mua bảo hiểm y tế cho hội viên Hội Cựu chiến binh.
Chi thường xuyên chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng chi ngân sách của Huyện. Thực tế, kiểm soát chi thường xuyên qua Kho bạc nhà nước (KBNN) Cầu Kè còn bộc lộ những hạn chế như: Áp lực lên cán bộ KBNN luôn dồn vào cuối năm lúc khách hàng gửi dồn hồ sơ thanh toán; hồ sơ kiểm soát chi chưa chặt chẽ, thiếu so với quy định, chưa hợp pháp, hợp lệ; còn nhiều hồ sơ tồn đọng, trễ hạn theo quy trình kiểm soát chi qua KBNN.
Giải pháp nâng cao khả năng tuân thủ kiểm soát chi ngân sách nhà nước
Để NSNN được sử dụng một cách có hiệu quả, hạn chế những bất cập, tồn tại nêu trên, công tác kiểm soát chi cần được nâng cao, tập trung vào các nội dung sau:
Về tổ chức bộ máy quản lý chi NSNN: Cần kiện toàn bộ máy quản lý NSNN từ Huyện đến cơ sở; Tuyển chọn phù hợp, ưu tiên cho cán bộ trẻ được đào tạo chính quy có kinh nghiệm; Tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa đội ngũ quản lý NSNN, nâng cao trình độ của cán bộ, công chức quản lý ngân sách, rèn luyện đạo đức, tác phong, phẩm chất chính trị, nhiệt tình với công việc, mạnh dạn đấu tranh bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước.
Tăng cường quản lý NSNN chuyên ngành và đa ngành, quy định trách nhiệm, quyền hạn theo ngành dọc, tinh gọn và hoàn thiện bộ máy quản lý NSNN ở phòng Tài chính – Kế hoạch, KBNN Huyện, có hiệu quả, tạo quan hệ thống nhất giữa các cơ quan.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ công và thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách trong quản lý, sử dụng kinh phí của đơn vị mình, đảm bảo đúng nội dung, tính chất, tiêu chuẩn, định mức; Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật trường hợp cố tình sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN.
Về lập dự toán NSNN: Đảm bảo căn cứ lập dự toán ngân sách, thực hiện đúng trình tự xây dựng, phân bổ, giao dự toán NSNN. Khi lập dự toán NSNN, chú ý khâu hướng dẫn và thông báo số kiểm tra dự toán cho các đơn vị và khâu xem xét dự toán của các đơn vị thụ hưởng ngân sách gửi cho cơ quan tài chính; cần trao đổi với các đơn vị liên quan để làm sáng tỏ nhu cầu về dự toán nhằm phục vụ tốt cho xét duyệt và tổng hợp dự toán.
Dự toán chi NSNN phải dựa vào các tiêu chuẩn định mức, đồng thời, phù hợp với khả năng cân đối NSĐP. Trên cơ sở thống nhất về dự toán với đơn vị thụ hưởng NSNN, phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp dự toán NSNN cấp mình, thông qua UBND và trình HĐND cùng cấp quyết định, đảm bảo dự toán được xét duyệt hợp lý phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của Huyện.
Về chấp hành NSNN: Trong chi đầu tư XDCB, cần rà soát, đánh giá lại cán bộ phụ trách theo năng lực chuyên môn và quản lý để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, phân công phù hợp, trước mắt và lâu dài; Tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm việc chia nhỏ dự án để lách thủ tục; Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, kiên quyết điều chuyển vốn từ công trình chậm tiến độ sang công trình đang thi công vượt kế hoạch, kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư giải ngân chậm không đảm bảo tiến độ; Mạnh dạn từ chối gia hạn hợp đồng thi công nếu xét thấy không hợp lý, không đúng quy định.
KBNN phối hợp với chủ đầu tư, thực hiện đúng quy định tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư, hạn chế tạm ứng vốn vượt quá khối lương thi công để các đơn vị thi công chiếm dụng vốn ngân sách; Thường xuyên tổ chức họp chuyên đề chấn chỉnh khâu XDCB, chủ động thanh toán vốn đầu tư theo tiến độ thực hiện kế hoạch, tránh dồn hồ sơ thanh toán về cuối năm, gây áp lực cho KBNN Huyện.
Trong chi thường xuyên, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí nhà nước cấp, chi tiêu đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức và triệt để tiết kiệm. Phòng Tài chính - kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách ở các ban, ngành, xã, thị trấn; xử lý kịp thời khi phát hiện các đơn vị sử dụng ngân sách không đúng, vi phạm quy định của Nhà nước về tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, kiên quyết từ chối các khoản chi không có trong dự toán được duyệt, vi phạm định mức tiêu chuẩn của Nhà nước; KBNN thường xuyên chú trọng nâng cao trình độ của cán bộ qua nhiều loại hình đào tạo với nội dung phong phú, mở các lớp tập huấn ngắn ngày để bồi dưỡng sâu kỹ năng chuyên môn, cập nhật kiến thức mới, phổ biến kinh nghiệm đã mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý ngân sách; Khen thưởng kịp thời hợp lý động viên cán bộ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kích thích phong trào thi đua trong đơn vị. KBNN kiên quyết loại khỏi bộ máy kiểm soát chi những cán bộ thoái hóa, biến chất, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để vụ lợi, nhũng nhiễu, năng lực kém không hoàn thành nhiệm vụ.
Về quyết toán NSNN: Cần chấn chỉnh việc quyết toán công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng theo quy định tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC 14/02/2011 và Thông tư số 09/2016/TT-BTC 18/01/2016 của Bộ Tài chính. Phòng Tài chính - kế hoạch Huyện tham mưu cấp có thẩm quyền kiên quyết xử lý các chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Huyện vi phạm quy định về quyết toán dự án hoàn thành theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP 10/10/2013 của Chính phủ; Nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, gắn việc chấp hành các quy định quyết toán công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức cuối năm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức ở các đơn vị lập báo cáo quyết toán năm, đảm bảo số liệu trung thực, phản ánh chính xác nội dung thu chi theo mục lục NSNN và lập đúng hạn gửi cơ quan tài chính tổng hợp thẩm tra và phê duyệt; Nâng cao chất lượng thẩm tra, phê duyệt quyết toán của cơ quan tài chính đối với các đơn vị dự toán trực thuộc, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn của cán bộ thẩm tra quyết toán NSNN và kế toán ở các đơn vị thụ hưởng ngân sách.
Về công khai NSNN: Các cấp ngân sách từ Huyện đến xã, thị trấn, các đơn vị hành chính sự nghiệp phải công khai dự toán thu, chi ngân sách theo quy định hiện hành của Nhà nước; công khai quyết toán chi NSNN đến chương, loại, khoản, mục, tiểu mục; công khai mua sắm tài sản, phương tiện đi lại; công khai phê duyệt vốn đầu tư hàng năm; công khai quyết toán dự án hoàn thành qua phổ biển tại hội nghị tổng kết năm, hội nghị cán bộ, công chức, niêm yết tại trụ sở cơ quan đơn vị, trên cổng thông tin điện tử, để mọi người biết và kiểm tra giám sát, góp phần lành mạnh hóa chi tiêu ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân trong giám sát quản lý và sử dụng ngân sách; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, nhân dân thấy được lợi ích và có trách nhiệm giám sát việc quản lý, công khai ngân sách của các cơ quan đơn vị và địa phương mình; Xử phạt nghiêm tổ chức cá nhân không thực hiện đúng quy định này.
Về thanh kiểm tra NSNN: Cần tăng cường thanh tra việc đầu tư từ NSNN, kết hợp thanh tra định kỳ với thanh tra đột xuất, thanh tra toàn diện với thanh tra cục bộ. Thanh tra phải tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục, có thái độ kiên quyết, trung thực. Bên cạnh đó, cần sắp xếp, kiện toàn bộ máy thanh, kiểm tra, đảm bảo số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh, kiểm tra.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Đầu tư công (Luật số49/2014/QH13) ngày 18/6/2014;
2. Luật Ngân sách nhà nước (Luật số83/2015/QH13) ngày 25/6/2015;
3. Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003; Thông tư số 03/2005/TT-BTC ngày 06/01/2005; Thông tư số 108/2008/TT-BTC; Thông tư số 01/2007/ TT-BTC ngày 02/01/2007; Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016; Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016; Thông tư số 344/2016/ TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính;
4. Các nghị quyết, các kế hoạch về phát triển KTXH và dự toán ngân sách 5 năm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cầu Kè (giai đoạn 2016 – 2020);
5. Các báo cáo về lập dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, quyết toán ngân sách và tổng hợp quyết toán ngân sách của huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 2015 – 2017);
6. Các kếhoạch và kết luận thanh tra về thu chi ngân sách của UBND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 2015 – 2017);
7. Hoàng Mạnh Hà (2014), Hoàn thiện công tác quản lýchi ngân sách nhà nước huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Đại học Đà Nẵng;
8. Phạm Hải Hà (2015), Quản lý ngân sách cấp huyện của TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Luận văn Thạc sĩ kinh tế, trường Đại học Knh tế Hà Nội;
9. Tô Thiện Hiền (2012), Nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.