Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam
Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã góp phần tạo động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam...
Mặc dù vậy, những kết quả thực thi FTA trong những năm vừa qua cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn để khai thác hiệu quả hơn nữa các thị trường này. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia đánh giá là do nhân lực chuyên gia thực thi các FTA còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công tác này.
Tại Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA”, ngày 13/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến trở ngại cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các FTA. trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng chính là khó khăn nguồn nhân lực ở cả cấp độ Trung ương, cấp độ tỉnh, thành và cấp độ doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Phương - Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Quá trình thực thi liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau đòi hỏi phải có một lực lượng chuyên trách nhiều hơn nữa để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp. Còn ở cấp độ địa phương, có tỉnh thành có con số nhân sự khả quan, có thể 5 - 7 nhân sự nhưng có những tỉnh, thành thì chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.
Với doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, do đặc thù các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nên khả năng có một bộ phận pháp chế, một bộ phận chuyên gia về FTA tương đối khó khăn.
Do đó, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hình thành một nhân sự chuyên trách kết nối với những đơn vị có thể cung ứng được nhân lực về chuyên gia FTA, như thế sẽ giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc phải thiết lập riêng một bộ phận.
Bên cạnh đó, năm 2023 trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các tỉnh, thành, Bộ Công Thương sẽ bước đầu triển khai thí điểm đào tạo các lớp chuyên gia đầu tiên để có thể cung ứng được nguồn nhân lực ngay lập tức và tại chỗ cho các tỉnh, thành và cố vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi doanh nghiệp có nhu cầu.