Nâng cao năng lực chống buôn lậu cho lực lượng Hải quan đến năm 2020

PV.

(Tài chính) Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của đất nước song cũng tiềm ẩn yếu tố bất lợi, trong đó tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi, phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia là một minh chứng. Trước những thách thức ngày càng lớn mới đây, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng “Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020”.

Lực lượng Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát hàng hoá thẩm lậu vào nội địa
Lực lượng Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát hàng hoá thẩm lậu vào nội địa

Thách thức ngày càng lớn

Nhận định của Tổng cục Hải quan cũng như các cơ quan an ninh đều cho thấy, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hoá qua biên giới đang ngày càng diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn tinh vi hơn, vi phạm nghiệm trọng hơn, hoạt động buôn lậu có tổ chức và chuyên nghiệp cao, lợi dụng những bất cập về cơ chế, chính sách trong điều hành xuất nhập khẩu… Nhiều vụ vi phạm bị phát hiện có sự câu kết của các đối tượng buôn lậu trong nước với các đối tượng ở nước ngoài và một số cán bộ tha hóa, biến chất của các lực lượng chức năng. Các mặt hàng vi phạm phổ biến là hàng cấm, hàng áp dụng ưu đãi thuế quan, xuất xứ, hàng thuộc diện quản lí chuyên ngành…

Tại một số cửa khẩu, để né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Hải quan, các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ, xé lẻ hàng hoá, thuê cửu vạn mang vác hàng qua biên giới vào những giờ cao điểm. Sau đó dùng xe máy vận chuyển hàng lậu vào các khu vực chợ, bến xe, giấu giếm trong các xe container, xe tải, xe khách được gia cố hầm vách để đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu cũng thường lợi dụng đường mòn lối mở để vận chuyển hàng trái phép... Thậm chí, theo nhận định của ông Lý Trần Tuấn, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh), khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 do bên Trung Quốc ban hành lệnh cấm và kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt nên dẫn đến việc trao đổi hàng hoá giữa hai nước có nhiều hạn chế. Hơn nữa, do nhu cầu hàng hoá dịp cuối năm tăng cao, dẫn đến tình trạng các đối tượng buôn lậu lợi dụng đường mòn lối mở, đường dân sinh của ngư dân biên giới để vận chuyển hàng lậu nhiều hơn. Từ Móng Cái đến Bắc Phong Sinh, chỗ nào đi được là các đối tượng đều có ý định buôn lậu.

Hay như mới đây, vụ việc 200 tấn nội tạng động vật tạm nhập, tái xuất vào thị trường nội địa bị Hải quan Lạng Sơn bắt giữ đã phần nào minh chứng cho mức độ tinh vi của các hoạt động buôn lậu. Kẻ xấu ngang nhiên nhập thực phẩm đã bị hư hỏng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa, chứa trong các kho ngoại quan, rồi mua hóa đơn để hợp thức hóa thành hàng tiêu thụ trong nước. Trong thực tế, vụ việc kể trên chỉ là một trong số rất nhiều vụ được các cơ quan chức năng phát hiện. Thậm chí, theo khẳng định của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lạng Sơn, bình quân một ngày có đến hàng tỷ tiền hàng hóa nhập lậu được vận chuyển. Trong khi đó, hiện nay, các cơ quan chức năng nói chung và lực lượng hải quan nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn, bất cập về cơ sở pháp lí, trang bị phương tiện, nguồn nhân lực… Do vậy, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, song không thể phủ nhận rằng, cuộc chiến chống hàng lậu và gian lận thương mại vẫn hết sức cam go và quyết liệt. Những thực tế đó đang đòi hỏi cơ quan chức năng, trong đó có ngành Hải quan phải tăng cường năng lực cho các đơn vị Hải quan chuyên trách làm nhiệm vụ chống buôn lậu.

Xây dựng lực lượng kiểm soát Hải quan chính quy, tinh nhuệ

Thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 và Kế hoạch giai đoạn 2011-2015, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát hải quan trong tình hình mới; ban hành văn bản chỉ đạo, cảnh báo toàn ngành về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2012, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ tập trung vào các mục tiêu trọng điểm như: Triển khai có hiệu quả công tác thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phòng, chống khủng bố, rửa tiền và xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế thuế; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Lực lượng kiểm soát hải quan sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chuyên án, chuyên đề nổi cộm, liên quan đến buôn lậu thuốc lá, xe ô tô ngoại giao, chống gian lận thuế qua mã, giá, hàng tạm nhập tái xuất có nghi vấn gian lận (thu thập thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nghi gian lận qua giá nhập khẩu), đấu tranh đối với hành vi nhập khẩu muối sử dụng sai mục đích, quản lý khoáng sản xuất khẩu, điều tra cơ bản về các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo, huấn luyện cũng như tuyển dụng cán bộ công chức chuyên trách làm công tác chống buôn lậu cũng như cán bộ công chức chuyển ngành có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản...

Đặc biệt, để công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt được hiệu cao, trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, đồng thời xử phạt nghiêm hơn nữa trường hợp vi phạm, hiện Cục Điều tra chống buôn lậu đã hoàn thiện và trình Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về Dự thảo “Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020”. Được biết, Đề án này sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lí cho công tác chống buôn lậu theo hướng nâng cao thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm và đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống các qui định trong lĩnh vực quản lí nhà nước về hải quan, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lí đầy đủ, thống nhất từ luật cho tới các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác chống buôn lậu. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Phòng chống ma túy…, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên quan. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng hướng tới xây dựng lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu từng bước chuyên sâu, hoạt động hiệu quả, có đủ bản lĩnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó, tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản, điều tra; mở rộng các nhiệm vụ mới như phòng, chống khủng bố, rửa tiền, ma túy, sở hữu trí tuệ… Chủ động nắm vững diễn biến tình hình trên địa bàn quản lí, tổ chức đấu tranh phát hiện, bắt giữ hiệu quả, xử lí nghiêm vi phạm…

Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Ngọc Tuấn, Dự thảo này cũng chú trọng xây dựng lực lượng phòng, chống ma túy chuyên trách đủ mạnh, kiểm soát, bắt giữ cho được các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy lớn tại địa bàn hoạt động hải quan, góp phần cắt đứt nguồn cung ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức hoạt động chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong toàn Ngành theo hướng có hệ thống, hoạt động thống nhất ở cả 3 cấp (Tổng cục; cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố và cấp Chi cục Hải quan cửa khẩu); kiện toàn về tổ chức, nhân sự (phấn đấu nâng cao trình độ, kĩ năng nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách kiểm soát hải quan, 100% cán bộ qua đào tạo dài hạn và ngắn hạn về nghiệp vụ) và hoạt động của các đơn vị hải quan các cấp nhằm đảm bảo xây dựng một lực lượng chuyên trách, tinh nhuệ, thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát hải quan trong tình hình mới. Ngoài ra, Dự thảo Đề án cũng đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, tất cả các đơn vị hải quan các cấp, các địa bàn được trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cần thiết phục vụ công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan…

Nhiều ý kiến cho rằng, một khi đề án này của ngành Hải quan đi vào triển khai, chắc chắn hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả và bước tiến mới, góp phần bảo đảm sản xuất cho doanh nghiệp và nền kinh tế, giảm thiếu những tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, sẽ triển khai thống nhất, đồng bộ trong toàn ngành các biện pháp nghiệp vụ cơ bản gồm: tiến hành thường xuyên công tác điều tra nghiên cứu nắm tình hình, sưu tra tại tất cả các địa bàn, đảm bảo cập nhật thông tin nghiệp vụ, cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan. Xây dựng mạng lưới và hệ thống theo dõi, nắm tình hình, quản lý địa bàn có trọng điểm. Xử lý kiên quyết, hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế; tăng cường phối hợp, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại hàng cấm qua biên giới và các vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, sản xuất, tiêu thụ hàng giả…