Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai từ cơ sở
Thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2020, các địa phương đã chủ động triển khai các nhiệm vụ.
Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm "4 tại chỗ", trước mùa mưa lũ, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng nhằm đảm bảo ứng phó với thiên tai. Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra bất thường và khắc nghiệt, nhất là với loại hình dông lốc, gió giật mạnh, mưa đá, khiến hơn 1.000 ngôi nhà cùng nhiều diện tích lúa, hoa màu và một số công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, điện... ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy bị hư hỏng, thiệt hại. Mặc dù chưa có thiệt hại về người, nhưng đã có người bị thương do thiên tai.
Đặc biệt, theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 234 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao, với 2.721 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, cần phải có phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, khu vực nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn có 105 điểm, với 1.510 hộ; khu vực thường xuyên bị lũ ống, lũ quét có 92 điểm, 429 hộ; khu vực thường xuyên bị ngập úng có 78 điểm, 1.004 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư.
Để ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai, tại hội nghị triển khai công tác PCTT&TKCN năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, kể cả cấp xã phải xây dựng phương án PCTT sát với từng địa phương, trong đó, cụ thể quá trình điều hành, tổ chức thực hiện phòng và khắc phục thiệt hại nếu có tình huống xảy ra; xác định rõ vùng trọng điểm, vùng ngập úng, sạt lở, đá lăn, lũ ống, lũ quét, hạn hán để có phương án ứng phó cụ thể. Đồng thời, chủ động dự báo lượng mưa, trên cơ sở đó để tính tình huống có thể xảy ra ở địa phương. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt nhiều trạm đo mưa, báo tự động đến hệ thống PCTT cấp xã, do vậy, từ cơ sở phải sử dụng hiệu quả hệ thống này để dự báo tình huống về mưa lũ, sạt lở đất, ngầm tràn... Lãnh đạo từ cấp xã đến huyện, các ngành cần nắm chắc vấn đề này, gắn với phương án của đơn vị để có sự chỉ đạo kịp thời, sát, đúng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo về thiên tai đã chủ động một phần, nhất là cảnh báo nguy cơ sạt lở cơ bản đánh giá được ở những vùng lớn, nhưng tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn tỉnh, có những chỗ không lường hết được. Vì vậy, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo sạt lở đất, đá, phát huy vai trò lực lượng tại cơ sở trong việc nắm bắt tình huống để kịp thời ứng phó. Khắc phục ngay tồn tại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa quyết liệt, còn chủ quan. Khi mưa lũ lớn xảy ra, tại các ngầm tràn phải có cảnh báo, phân công lực lượng canh chừng, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại. Các cấp, ngành xác định PCTT, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả năm, bởi nếu không làm tốt công tác này sẽ thiệt hại lớn đến tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống của Nhân dân.
Tuần lễ Quốc gia PCTT năm nay (từ ngày 15 - 22/5) có chủ đề: "PCTT chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở”. Để góp phần nâng cao năng lực PCTT ngay từ cơ sở, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có Công văn số 27, ngày 1/4/2020 thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT về ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích PCTT cấp xã. Theo đó, đề nghị Bộ CHQS tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố chỉ đạo Ban CHQS huyện, UBND cấp xã hướng dẫn, ban hành quy chế hoạt động; thành lập đội xung kích; đào tạo, tập huấn duy trì lực lượng xung kích; xây dựng quy chế phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của đội...
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Thành lập đội xung kích cấp xã trong PCTT là rất cần thiết, đây sẽ là lực lượng xung kích thực hiện phương châm "4 tại chỗ". Khi tình huống xảy ra, nhất là trong hoàn cảnh bị cô lập, chia cắt, lực lượng ngay tại địa bàn và các xã lân cận có thể giúp đỡ nhau cứu hộ, cứu nạn. Do vậy, cần khẩn trương thành lập, có cơ chế hoạt động cho các đội xung kích và xây dựng quy chế phối hợp thực hiện chặt chẽ giữa các xã. Ngoài ra, quan tâm tổ chức đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ trang thiết bị hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả PCTT ngay tại cơ sở.