Nâng cao năng lực quản trị tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội
Đổi mới quản trị tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện nay đã có 36/76 đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi cần sớm có giải pháp tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị này trong thời gian tới.
Thực tiễn đổi mới quản trị tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội
Triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL, TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các ĐVSNCL thuộc TP. Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020.
Từ đó đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND, các ĐVSNCL thuộc Sở Y tế Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quản trị tài chính. Theo Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tổng số ĐVSNCL trực thuộc Sở là 76 đơn vị (41 bệnh viện, 05 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận huyện thị xã), trong đó, đã có 36 đơn vị tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.
Thực hiện đổi mới trong công tác quản trị tài chính, số kinh phí quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên của các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã giảm qua các năm, cụ thể: Năm 2017 kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội là 1.365.112 triệu đồng; Năm 2018 là 1.286.567 triệu đồng, giảm 78.545 triệu đồng; Năm 2019 là 1.093.354 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 271.758 triệu đồng; Năm 2020 là 1.077.715 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 287.397 triệu đồng.
Kết quả trên đã giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc lập kế hoạch tài chính; trong sử dụng nguồn lực tài chính theo đúng quy định của Luật NSNN và hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thực tiễn đổi mới quản trị tài chính để nâng cao năng lực tự chủ tài chính ở các ĐVSNCL thuộc Sở Y tế Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần sớm có giải pháp điều chỉnh như:
- Việc khai thác và mở rộng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh của các đơn vị gặp nhiều khó khăn; Việc chậm thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ bảo hiểm y tế hiện nay cũng gây nên nhiều khó khăn cho các ĐVSNCL trong việc thực hiện kế hoạch tài chính và quản trị tài chính của các đơn vị.
- Việc áp dụng công nghệ trong quản trị tài chính tại một số đơn vị vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn tới việc xử lý số liệu, thông tin phục vụ công tác quản trị tài chính chưa được kịp thời, chính xác.
- Việc thiếu đội ngũ cán bộ kế cận có chuyên môn sâu về quản trị tài chính đã ảnh hưởng khá nhiều đến quá trình quản trị tài chính lâu dài của các đơn vị...
7 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc, góp phần nâng cao năng lực quản trị tài chính, thúc đẩy quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, thời gian tới Sở Y tế Hà Nội cũng như các ĐVSN trực thuộc cần tập trung triển khai một số nội dung sau:
Một là, thay đổi nhận thức, nhất là nhận thức của người đứng đầu về quản trị tài chính tại các ĐVSNCL; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị; Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản trị tài chính nói chung và quản trị tài chính.
Hai là, tăng nguồn thu tại các ĐVSNCL, qua đó tăng lợi nhuận tại các đơn vị để tái đầu tư trở lại, cụ thể: (i) Hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; (ii) Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công theo hướng chuyên sâu, chất lượng cao; (iii) Chủ động tăng lợi nhuận trong phạm vi quy định của pháp luật; (iv) Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế tại các đơn vị; (v) Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, hình thành các dịch vụ y tế chất lượng, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân, qua đó giảm dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh giữa các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Ba là, triển khai các biện pháp để tiết kiệm chi, cụ thể: Bố trí, sắp xếp lại vị trí việc làm trong các ĐVSNCL theo hướng tinh gọn bộ máy; Xây dựng cơ chế chi thu nhập của người lao động; Tăng cường kiểm soát các khoản chi theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Bốn là, chuyên nghiệp hoá các khâu trong quản trị tài chính như lập, thực hiện và quyết toán thu chi. Đối với các ĐVSNCL cần xây dựng một quy trình cụ thể, chi tiết các bước trong các khâu quản trị: lập, thực hiện và quyết toán thu chi; đồng thời, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và thời gian cần hoàn thành cho từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy trình quản trị tài chính.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị tài chính tại các ĐVSNCL.
Sáu là, hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến quản trị tài chính trong các ĐVSNCL như: cơ chế thanh toán bảo hiểm, cơ chế, chính sách về xã hội hoá trong lĩnh vực y tế; cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác tài chính kế toán và đội ngũ nhân viên y tế...
Bảy là, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản trị tài chính tại các đơn vị. Quản trị tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công cần đi đôi với việc phát huy dân chủ.
Thực hiện đổi mới trong công tác quản trị tài chính, số kinh phí quyết toán NSNN hỗ trợ chi hoạt động thường xuyên của các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã giảm qua các năm, cụ thể: Năm 2017 kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên cho các ĐVSNCL trực thuộc Sở Y tế Hà Nội là 1.365.112 triệu đồng; Năm 2018 là 1.286.567 triệu đồng, giảm 78.545 triệu đồng; Năm 2019 là 1.093.354 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 271.758 triệu đồng; Năm 2020 là 1.077.715 triệu đồng, giảm so với năm 2017 là 287.397 triệu đồng.