Nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế
Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn chưa thể bứt phá do do hàng nông sản của Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn quy định về hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm (MRL) mà các nước nhập khẩu đưa ra.
Trong 5 năm qua, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trung bình 2,4%/năm. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước, thì xuất khẩu nông sản liên tục giảm, từ 13% năm 2012 xuống chỉ còn gần 8,6% năm 2016 do tăng trưởng mạnh mẽ của các mặt hàng thuộc nhóm lâm sản, thuỷ sản, các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam” do Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với CropLIfe Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh hôm 2/11, các chuyên gia đã nguyên nhân chính của tình trạng trên là do hàng nông sản của Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn quy định về MRL mà các nước nhập khẩu đưa ra với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi.
Hiện nay, Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL, song việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình này đòi hỏi sự tham gia và trách nhiệm thực hiện của tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị phát triển sản phẩm, công ty chế biến, sản xuất, đóng gói, nông dân và người tiêu dùng...
Phát biểu tại hội thảo, ông Kohei Sakata – Chủ tịch CropLife Việt Nam cho biết: “Đứng trước các thách thức về vấn đề an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hay rào cản kỹ thuật trong thương mại, chúng tôi rất vui mừng khi hôm nay có cơ hội gặp gỡ và cùng thảo luận với đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội xuất khẩu nông sản trong nước, các tổ chức quốc tế và đại diện các nước xuất khẩu chính. Qua đó, các bên có thể lắng nghe, chia sẻ và tiếp thu các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.”
Tại hội thảo, các tham luận từ các đại biểu tham dự đã đưa ra cách tiếp cận hài hòa hóa tiêu chuẩn MRL giữa các nước và trong khu vực. Cách tiếp cận này cho phép các nước có gói dữ liệu chung, công nhận kết quả thử nghiệm lẫn nhau và cùng áp dụng chung các mức dư lượng.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, thực hiện được điều này một mặt tạo thuận lợi cho quá trình thương mại quốc tế, giúp khuyến khích các công ty phát triển đăng ký sản phẩm mới từ đó nông dân có cơ hội tiếp cận thêm các sản phẩm và công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng tiên tiến; mặt khác giảm đáng kể kinh phí và thời gian tiến hành các nghiên cứu - thử nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các quốc gia trong quá trình quản lý.