Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Hương Giang

Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, đòi hỏi Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới.

Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ.
Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ.

Đạt nhiều bước tiến quan trọng

Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Kết quả này có được là do Chính phủ chỉ đạo sát sao nhiệm vụ này với nhiều chủ trương, chính sách kịp thời và hiệu quả như: Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan tới hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...

Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất trong giai đoạn 2007-2016 của nhóm các nước có thu nhập thấp và nhóm thu nhập trung bình thấp theo đánh giá của World Bank. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm 2017, đứng thứ 77/140 quốc gia.

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nằm trong nhóm giữa với tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh cách khoảng 40 điểm so với điểm số tối đa có thể đạt được cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác như: Indonesia, Thái Lan và Philippines. Tuy vậy, nếu nhìn cận cảnh và tập trung vào các chỉ số cần phải cải thiện có thể thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã có những chỉ số bị tụt hậu so với không chỉ nhóm ASEAN 4, mà còn so với các nước vốn được coi là kém phát triển hơn như Lào và Campuchia.

Trong những năm qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng trước yêu cầu của thực tiễn, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa ở các lĩnh vực như: Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hạ tầng, thể chế chính sách về đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, về nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp và các kỹ năng được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề nghiệp từ mức trung bình trở lên còn thấp so với mặt bằng chung các nước ASEAN. Các kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của các doanh nghiệp sử dụng lao động cả trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh đó, các chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư, theo ngành và lĩnh vực, địa bàn đầu tư mặc dù giúp thu hút được lượng FDI lớn cho phát triển kinh tế nhưng trong một số ngành kết quả các doanh nghiệp FDI tạo ra chưa tương xứng với các ưu đãi.

Đồng thời, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Có một mối tương quan giữa cải thiện năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng bộ các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh

Để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục tập trung cải thiện các mặt còn yếu kém, đáp ứng nhu cầu phát triển, cụ thể cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng Chính phủ điện tử và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Đầu tư hơn nữa cho phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo nền tảng cho CMCN 4.0 có thể được triển khai hiệu quả tại các doanh nghiệp; Tạo điều kiện cho người dân và các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả các thành quả của CMCN 4.0 nói chung và Chính phủ điện tử nói riêng; Xây dựng “Môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số bằng những giải pháp trực tuyến thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ nền kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 40% tổng số lao động của nền kinh tếnhưng lại là khu vực có năng suất lao động thấp nhất trong toàn bộ nền kinh tế. Các con số thống kê cho thấy, một mối tương quan dương giữa năng suất lao động và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo: mỗi 1% lao động đã qua đào tạo tăng thêm sẽ giúp tăng năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế thêm 6,44 triệu đồng.

Thứ ba, đào tạo nghề nói riêng và đào tạo học sinh, sinh viên nói chung dựa trên nhu cầu của thị trường và của doanh nghiệp. Theo đó, cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên việc khảo sát nhu cầu của thị trường lao động và tham vấn các doanh nghiệp. Bên cạnh việc gắn kỹ năng nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường, các kỹ năng quan trọng trong bối cảnh CMCN 4.0 là các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, khả năng học hỏi trong môi trường làm việc và khả năng đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của người dân, đặc biệt làngười lao động, thông qua việc cải cách, đổi mới phương thức dạy học và chương trình học. Chương trình học gắn với việc giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra trong cuộc sống. Phương pháp dạy học đòi hỏi sựchủđộng tham gia của người học, nâng cao tỷ lệthực hành trong tổng số giờ học.

Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng: Đảm bảo các quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, minh bạch để các doanh nghiệp FDI có thể yên tâm chia sẻ, thiết lập các mối quan hệ dài hạn và tin cậy đối với các doanh nghiệp trong nước; Thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thay vì các ưu đãi hỗ trợ theo lĩnh vực, địa bàn hay quy mô vốn, quy mô lao động; Nâng cao chất lượng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.