Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Những con số biết nói

PV.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 theo Nghị quyết 35/NQ-CP, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Kết quả của những giải pháp này được thể hiện qua các con số được báo cáo tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tổ chức hôm 17/5/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng tham dự tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Nguồn: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng tham dự tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Nguồn: chinhphu.vn

Với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP cùng hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Trong đó, việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã có tác động tích cực đến số lượng DN thành lập mới, đầu tư nước ngoài trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

Cụ thể, thống kê cho thấy, trong năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới là 110.100 DN, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay; số vốn cam kết đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số DN quay trở lại hoạt động tăng 24,1%.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng DN đăng ký thành lập mới là 39.580 DN với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số DN và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số DN quay trở lại hoạt động đạt 11.545, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tính đến 20/4/2017, cả nước có khoảng 612 ngàn DN đang hoạt động.

Về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 31/12/2016 cả nước có 2.613 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận điều kiện đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15,81 tỷ USD, tăng 23,3% về số dự án và bằng 96,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Cả nước có 1.249 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,56 tỷ USD, tăng 36,1% về số dự án và bằng 84,4% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ. Có 5.970 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đầu tư là 4,51 tỷ USD.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2017 cả nước có 734 dự án mới được cấp Giấy Chứng nhận điều kiện đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016; có 345 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 % so với cùng kỳ năm 2016 và 1687 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ 2016. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95  tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Có thể nói, các con số nêu trên minh chứng cho niềm tin của DN trong và ngoài nước vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. Theo khảo sát của Jetro, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, trên 66% DN có xu hướng “mở rộng hoạt động kinh doanh” tại Việt Nam. AmCham đánh giá Việt Nam nổi bật với việc cải thiện lớn về môi trường kinh doanh với 36% DN Mỹ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, 21% ở Thái Lan, 19% của Malaysia... 

Về đóng góp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực tư nhân, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.485 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 557,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%. Như vậy, mục tiêu này bước đầu đạt được so với mục tiêu năm 2020, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Báo cáo tại hội nghị cũng cho thấy, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế năm 2016 theo giá hiện hành ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015.