Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới


Công tác cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đã, đang diễn ra mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm nâng cao năng lực phục vụ doanh nghiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình cải cách là một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên, liên tục của các bộ, ngành, địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phân tích năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thay đổi, bài viết đề xuất các giải pháp và gợi mở định hướng triển khai góp phần nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong thời gian tới.

Thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) của Việt Nam liên tục được cải thiện mạnh mẽ. Kết quả này có được là do Chính phủ chỉ đạo sát sao nhiệm vụ này với nhiều chủ trương, chính sách kịp thời và hiệu quả như: Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020; xây dựng, sửa đổi các bộ luật liên quan tới hoạt động kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế như Luật DN, Luật Đầu tư...

Nhờ đó, MTĐTKD của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất trong giai đoạn 2007-2016 của nhóm các nước có thu nhập thấp và nhóm thu nhập trung bình thấp theo đánh giá của World Bank. Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Việt Nam đã tụt 3 bậc so với năm 2017, đứng thứ 77/140 quốc gia.

Bảng 1: Xếp hạng một số chỉ số thành phần về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam và các nước ASEAN theo bảng xếp hạng của World Bank 2018

Quốc gia

Chất lượng đào tạo nghề

Kỹ năng sau khi tốt nghiệp

Sự sẵn có của lao động có kỹ năng

Kỹ năng số của người lao động

Việt Nam

115

128

104

98

Lào

100

74

96

81

Campuchia

118

111

121

107

Thái Lan

75

61

61

61

Malaysia

9

6

4

11

Singapore

8

5

9

6

Indonesia

34

33

35

39

Philippines

25

27

20

24

 

Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nằm trong nhóm giữa với tính cạnh tranh của MTĐTKD cách khoảng 40 điểm so với điểm số tối đa có thể đạt được cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác như: Indonesia, Thái Lan và Philippines. Tuy vậy, nếu nhìn cận cảnh và tập trung vào các chỉ số cần phải cải thiện có thể thấy, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã có những chỉ số bị tụt hậu so với không chỉ nhóm ASEAN 4, mà còn so với các nước vốn được coi là kém phát triển hơn như Lào và Campuchia.

Trong số 12 chỉ số thành phần của chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI), nhóm các chỉ số có thứ hạng thấp nhất và có xu hướng giảm điểm tuyệt đối, bao gồm các chỉ số liên quan tới thị trường sản xuất, sự năng động kinh doanh, kỹ năng, thể chế. Việc phân tích cụ thể các chỉ số thành phần cấu thành các nhóm chỉ số chính này sẽ chỉ ra những điểm cần khắc phục của MTĐTKD của Việt Nam.

Về chỉ số kỹ năng: Việt Nam nằm ở nhóm cuối cùng của bảng xếp hạng 140 nước; tụt hạng so với năm 2017 và kém rất xa so với trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam (97/140) chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia nhưng kém tương đối xa các quốc gia còn lại. Trong các chỉ số thành phần liên quan đế kỹ năng, Việt Nam xếp hạng thấp ở chỉ số về chất lượng hệ thống đào tạo nghề, thứ hạng của Việt Nam là 115/140 chỉ cao hơn Campuchia trong khu vực Đông Nam Á.

Về chỉ số về kỹ năng sau khi tốt nghiệp có đáp ứng nhu cầu của các DN, Việt Nam xếp thứ 128/140 quốc gia của bảng xếp hạng thấp nhất trong số các nước ASEAN được xếp hạng. Sự dễ dàng trong tìm kiếm người lao động có kỹ năng cũng là một điểm yếu của Việt Nam (104/140) so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (Bảng 1).

Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ người sử dụng internet tại Việt Nam là khá cao (54% dân số sử dụng internet năm 2017) nhưng chỉ số kỹ năng số của người lao động tại Việt Nam chỉ xếp thứ 98/140 quốc gia, trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (107/140). Đây là trở ngại đối với Việt Nam không chỉ trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Về chỉ số thị trường sản xuất: Việt Nam tụt hạng so với năm 2017 và chỉ xếp thứ 102/140 quốc gia. Những chỉ số đã kéo tụt thứ hạng về thị trường của Việt Nam gồm: Sự phổ biến của các hàng rào phi thuế quan trên thị trường, tính cạnh tranh của các dịch vụ và sự biến dạng thị trường do trợ cấp, ưu đãi thuế. So sánh với các quốc gia trong khu vực cho thấy, Việt Nam kém hơn so với: Lào (91/140); Malaysia (24/140); Singapore (1/140); Thái Lan (92/140); Indonesia (51/140); Philippines (60/140) và chỉ nhỉnh hơn so với Campuchia (114/140).

Bảng 2: Bảng xếp hạng về một số chỉ số thành phần về thị trường, tính năng động trong kinh doanh và thể chế của Việt Nam và các nước ASEAN

Quốc gia

Thời gian khởi sự kinh doanh

Tỉ lệ thu hồi tài sản sau phá sản

Quyền sở hữu

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Việt Nam

104

109

104

105

Lào

136

133

102

87

Campuchia

139

125

93

103

Thái Lan

17

26

74

99

Malaysia

98

19

22

24

Singapore

5

4

3

3

Indonesia

108

33

47

44

Philippines

115

112

65

52

 

Về tính năng động trong kinh doanh và thể chế: Theo Báo cáo Doing Business 2018, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực về thứ hạng trên bảng xếp hạng chung với vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, năm 2018, các chỉ số môi trường kinh doanh đã giảm bậc, điều này cho thấy sự tương đồng giữa những điểm cần cải thiện của Việt Nam trong Chỉ số GCI và chỉ số Doing Business.

Các chỉ số giảm bậc bao gồm: Khởi sự kinh doanh (giảm 2 bậc); Đăng ký sở hữu tài sản (giảm 4 bậc) và Giải quyết phá sản DN (giảm 4 bậc). Thứ hạng về thể chế của Việt Nam gắn với các chỉ số thành phần về quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á (Bảng 2).

Một số tồn tại, hạn chế

Trong những năm qua, MTĐTKD tại Việt Nam có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng trước yêu cầu của thực tiễn, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa ở các lĩnh vực như: Chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hạ tầng, thể chế chính sách về đầu tư kinh doanh, cụ thể:

Thứ nhất, nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp và các kỹ năng được đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề nghiệp từ mức trung bình trở lên còn thấp so với mặt bằng chung các nước ASEAN.

Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 1

Các kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của các DN sử dụng lao động cả trong nước và các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đối với hệ thống giáo dục, đào tạo nói chung, các học sinh và sinh viên sau khi tốt nghiệp còn thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng về CNTT, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động.  

Theo Báo cáo về chỉ số phát triển con người của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016, tỷ lệ lao động có kỹ năng cao của Việt Nam chiếm chưa tới 10% tổng số lao động, thấp hơn rất nhiều so với ASEAN -4. Nếu tính gộp lao động có kỹ năng trung bình và kỹ năng cao thì Việt Nam xếp cuối cùng trong 10 nước ASEAN (Hình 1).

Theo Báo cáo về chỉ số phát triển con người của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017, Chỉ số học hỏi thể hiện qua tỷ lệ người lao động có kỹ năng cao, kỹ năng trung bình, độ phức tạp của nền kinh tế và sự sẵn có của lao động có kỹ năng. Ở chỉ số này, Việt Nam xếp hạng thứ 120/130 quốc gia trong bảng xếp hạng 2017.

Thứ hai, các chính sách về thu hút và ưu đãi đầu tư, theo ngành và lĩnh vực, địa bàn đầu tư mặc dù giúp thu hút được lượng FDI lớn cho phát triển kinh tế nhưng trong một số ngành kết quả các DN FDI tạo ra chưa tương xứng với các ưu đãi.

Theo đánh giá của Oxfam, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trên thực tế chưa đạt được các mục tiêu về thu hút đầu tư như đã đặt ra. Một số DN FDI chủ yếu tận dụng các chính sách ưu đãi, không tập trung vào những khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi dựa trên lĩnh vực, hoặc địa bàn đầu tư cũng dẫn tới những nguy cơ DN FDI chuyển đổi địa bàn đầu tư hoặc điều chỉnh dự án để được nhận những ưu đãi. Đây là nguyên nhân của quá trình cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương. Chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư cũng tạo ra những bất bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài, DN lớn và DN nhỏ.

Nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới - Ảnh 2

Thứ ba, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Có một mối tương quan giữa cải thiện NSLĐ và nâng cao tính cạnh tranh của MTĐTKD. Theo Krugman, NSLĐ cao hơn đồng nghĩa với tính cạnh tranh được cải thiện. Còn theo M. Porter, tính cạnh tranh phụ thuộc lâu dài vào NSLĐ.

NSLĐ phụ thuộc vào sự sẵn có và chất lượng nguồn nhân lực cùng với việc sử dụng và ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn là vấn đề với nền kinh tế Việt Nam, do tính chất sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp và tham gia các công đoạn gia công mang lại giá trị gia tăng thấp là chính.

Thứ tư, chất lượng hạ tầng trên cả nước và ngay cả các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn bộc lộ những yếu kém ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh như: Chất lượng giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng đô thị và môi trường sống chưa cao. Những vấn đề này có thể làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của DN và làm giảm hiệu quả, gây tổn thất cho toàn bộ nền kinh tế.

Thứ năm, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp còn chưa cao và thể chế luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa hoàn thiện. Các DN còn mất nhiều thời gian để khởi sự kinh doanh, cho thanh tra, kiểm tra và các thủ tục hành chính khác. Chính những vấn đề này làm giảm hiệu quả hoạt động của DN và tăng chi phí sản xuất. Về mặt luật pháp, vấn đề quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu cũng là một rào cản quan trọng khiến cho các DN FDI còn e dè trong việc hợp tác với các DN trong nước, đặc biệt là trong chuyển giao công nghệ và trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

Đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục tập trung cải thiện các mặt còn yếu kém, đáp ứng nhu cầu phát triển, cụ thể cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng Chính phủ điện tử và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Đầu tư hơn nữa cho phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tạo nền tảng cho CMCN 4.0 có thể được triển khai hiệu quả tại các DN; Tạo điều kiện cho người dân và các DN được sử dụng hiệu quả các thành quả của CMCN 4.0 nói chung và Chính phủ điện tử nói riêng; Xây dựng “Môi trường đầu tư 4.0” phù hợp với nhu cầu của DN trong thời đại công nghệ số bằng những giải pháp trực tuyến thuận tiện cho người dân và DN.

Thứ hai, nâng cao NSLĐ của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong toàn bộ nền kinh tế. Thực tế cho thấy, mặc dù lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 40% tổng số lao động của nền kinh tế nhưng lại là khu vực có NSLĐ thấp nhất trong toàn bộ nền kinh tế. Các con số thống kê cho thấy, một mối tương quan dương giữa NSLĐ và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo: mỗi 1% lao động đã qua đào tạo tăng thêm sẽ giúp tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế thêm 6,44 triệu đồng (Hình 2).

Thứ ba, đào tạo nghề nói riêng và đào tạo học sinh, sinh viên nói chung dựa trên nhu cầu của thị trường và của DN. Theo đó, cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên việc khảo sát nhu cầu của thị trường lao động và tham vấn các DN. Bên cạnh việc gắn kỹ năng nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường, các kỹ năng quan trọng trong bối cảnh CMCN 4.0 là các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học, khả năng học hỏi trong môi trường làm việc và khả năng đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của người dân, đặc biệt là người lao động, thông qua việc cải cách,̀ đổi mới phương thức dạy học và chương trình học. Chương trình học gắn với việc giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra trong cuộc sống. Phương pháp dạy học đòi hỏi sự chủ động tham gia của người học, nâng cao tỷ lệ thực hành trong tổng số giờ học.

Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, công bằng: Đảm bảo các quyền sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, minh bạch để các DN FDI có thể yên tâm chia sẻ, thiết lập các mối quan hệ dài hạn và tin cậy đối với các DN trong nước; Thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ dựa trên hiệu quả hoạt động của DN thay vì các ưu đãi hỗ trợ theo lĩnh vực, địa bàn hay quy mô vốn, quy mô lao động; Nâng cao chất lượng ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học và khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong các DN.

Thứ năm, lựa chọn một số địa bàn quan trọng làm đầu tàu để đầu tư xây dựng và áp dụng các kết quả của CMCN 4.0. Trước mắt, cần lựa chọn một số địa bàn quan trọng, có thể là một số thành phố trực thuộc Trung ương để đầu tư xây dựng và ứng dụng các kết quả của CMCN 4.0 như: Thành phố thông minh, dữ liệu chia sẻ, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật nhằm tạo cú hích để cải thiện tính cạnh tranh của MTĐTKD và tác động lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.

Các thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh đi đầu trong ứng dụng các kết quả của CMCN 4.0, giải quyết các vấn đề hạ tầng nhằm tạo bước phát triển nhảy vọt về kinh tế. Đồng thời, chủ động xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trong giai đoạn CMCN 4.0 dựa trên việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, có chiến lược chuẩn bị phù hợp về hạ tầng kỹ thuật, CNTT và nguồn nhân lực.

Tóm lại, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững, nhằm đưa nước ta vượt qua bẫy thu nhập trung bình và tận dụng thành công những cơ hội của cuộc CMCN 4.0.

Để làm được điều này, cần tập trung: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao NSLĐ; Sử dụng và ứng dụng các thành quả của CMCN 4.0 vào xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao tính nhanh chóng, dễ dàng, minh bạch cho người dân và DN trong các thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và nghiên cứu phát triển trong DN. Đặc biệt, Nhà nước cần có chiến lược từ ngắn hạn tới dài hạn hướng tới một mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống của người dân và vị thế của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

  1. Oxfam (2016), Đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam;
  2. WEF (2017), The Global Human Capital Report 2017;
  3. WEF (2018), The Global Competitiveness Report 2018;
  4. Zofia Wysokińska (2003), Competitiveness and Its Relationships with Productivity and Sustainable Development;
  5. Micheal Porter (1990), The Competitive Advantage of Nations;
  6. Các website: news.zing.vn, vietnamnews.vn, thesaigontimes.vn…