Hải quan Bình Dương:

Nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp


Cục Hải quan Bình Dương vừa tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với 12 doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ. Đến nay, Hải quan Bình Dương đã ký kết với 18 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Hải quan, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 về Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Trong chiến lược phát triển Chính phủ số, Hải quan số thì đây cũng là 1 trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, phù hợp với chuẩn mực của Hải quan thế giới.

Để cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngày 15/7/2022 Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ Quyết định thí điểm, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan triển khai toàn ngành.

Triển khai chương trình, vào ngày 15/9/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị ký kết với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Tại Hội nghị này, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ với 6 doanh nghiệp. Đại diện Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có đồng chí Nguyễn Trần Hiệu – Cục trưởng.

Ngày 09/11/2022, tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương tiếp tục diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Cục Hải quan tỉnh Bình Dương với 12 doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ. Đại diện Cục Hải quan tỉnh Bình Dương có đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Cục trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục.

Cục Hải quan tỉnh Bình Dương ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp tại Hội nghị tổ chức tại Bình Dương
Cục Hải quan tỉnh Bình Dương ký kết biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp tại Hội nghị tổ chức tại Bình Dương

Như vậy sau 2 đợt, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã ký kết với 18 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Phát biểu tại lễ ký kết tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, đồng chí Nguyễn Thanh Bình – Phó Cục trưởng cho biết, lợi ích mà chương trình đem lại cho doanh nghiệp tham gia đó là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp; doanh nghiệp được bố trí luồng riêng để hỗ trợ; Được bố trí công chức hải quan giỏi nghiệp vụ hỗ trợ thủ tục hải quan; tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng vàng và đỏ; cảnh báo các yếu tố tiềm ẩn rủi ro giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu tối đa vi phạm pháp luật hải quan;…

Do đây là chương trình thí điểm, nên việc lựa chọn đối tượng tham gia cũng được cân nhắc kĩ lưỡng. Mục tiêu mà chương trình hướng đến là sau 2 năm triển khai, tất cả doanh nghiệp tham gia chương trình từng bước cải thiện mức độ tuân thủ (80% mức tuân thủ trung bình và cao).

Cục Hải quan Bình Dương sử dụng chính những kết quả đó cũng như chính các doanh nghiệp tham gia chương trình là các tuyên truyền viên để giúp các doanh nghiệm chưa tham gia có ý thức tốt trong việc tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Để triển khai tốt chương trình, về phía Cục Hải quan Bình Dương sẽ chủ động hướng dẫn, tuyên truyền, giúp đỡ các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ. Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục hải quan, chỉ đạo các Chi cục đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị Sở ban ngành địa phương tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật cũng như tạo thuận lợi rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách về Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp ...

Về phía các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, việc triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyên khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật trước hết đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích, đồng thời cũng cần phải có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá đúng thực trạng của việc tuân thủ pháp luật Hải quan nhằm chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ; từ đó có chiến lược cụ thể từng bước cải thiện tiến tới xây dựng kế hoạch tự nguyện tuân thủ. Hai bên phối hợp xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh góp phần chống buôn lậu và gian lận thương mại.

PV.