Nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên mức 13%?
VNDirect cho rằng, với xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay, cơ quan quản lý có thể nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 của ngành ngân hàng lên mức 13%, cao hơn so với năm 2020.
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới cập nhật, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong tuần qua (23/8 -27/8), các hoạt động thị trường mở không phát sinh giao dịch mới.
Trong khi đó, việc thực hiện các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng giai đoạn tháng 1 và tháng 2 đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD (tương đương gần 130.000 tỷ đồng), thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị hủy ngang.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm 0,06 - 0,11 điểm phần trăm, kết tuần ở 0,75%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Như vậy, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm khoảng 0,15 điểm phần trăm trong tháng 8, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào nhờ nguồn cung nội tệ từ hợp đồng bán ngoại tệ.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (giữa ngân hàng và các tổ chức kinh tế, dân cư) không có nhiều thay đổi so với đầu năm.
Ngày 31/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước tháng 7 vừa qua ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Những mức lãi suất trên thay đổi nhẹ ở một số vùng kỳ hạn so với cập nhật của NHNN diễn biến trong tháng 1/2021: 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6-6,8%/năm.
Đáng chú ý, theo dữ liệu của NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực trong tháng 7 ở mức 4,4%/năm, chỉ giảm rất nhẹ với 0,1%/năm so với mức 4,5%/năm cập nhật hồi đầu năm.
Trong khi đó, đến tháng 7, lãi suất cho vay USD bình quân vẫn ở mức 3,0-6,0%/năm, về tổng thể gần như đứng yên so với đầu năm nay.
Báo cáo cập nhật vĩ mô nửa cuối năm nay của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Một trong các chính sách mà NHNN có thể áp dụng cho nửa cuối năm nay là nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng. VNDirect cho rằng với xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay, cơ quan quản lý có thể nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay của ngành ngân hàng lên mức 13%, cao hơn so với năm 2020.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng với động thái cắt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7 của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động nửa cuối năm có thể tăng chậm lại, chỉ ở mức 0,1-0,15 điểm phần trăm/năm thay vì mức tăng 0,25-0,3 điểm phần trăm/năm như dự báo ban đầu.