Nhận diện khó khăn, thách thức của tổ chức tín dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay
Việc nhận diện, đánh giá những khó khăn, thách thức là rất cần thiết đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) để có biện pháp phù hợp, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả trong các tháng cuối năm.
Những khó khăn của doanh nghiệp do tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đang là thách thức lớn đối với hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung và địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, theo hướng tiềm ẩn nợ xấu gia tăng và khó khăn trong vay trả nợ của doanh nghiệp đối với các TCTD.
Vì vậy, việc nhận diện khó khăn vướng mắc đối với các TCTD, để có biện pháp phù hợp đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn hiệu quả, vừa đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt khó, vừa góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ tín dụng năm 2021 đặc biệt trong các tháng cuối năm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Những khó khăn, thách thức
Trước những tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn trong hoạt động hoặc phải tạm ngừng hoạt động, doanh thu sụt giảm, gián đoạn dòng tiền, chi phí tăng, thị trường tiêu thụ gặp khó… Những khó khăn này tác động ảnh hưởng trực tiếp đến các TCTD trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng.
Thứ nhất, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu phát sinh. Do dịch COVID-19, các thị trường và hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, tổng cầu giảm; tài chính của doanh nghiệp và dòng tiền bị gián đoạn do tạm ngưng hoạt động, đóng cửa và thị trường tiêu thụ gặp khó, thu hẹp sản xuất… Vì vậy, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay trả nợ ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu phát sinh và có xu hướng gia tăng, nếu khó khăn kéo dài và không được tháo gỡ kịp thời. Đây là vấn đề các TCTD cần đặc biệt quan tâm, thực hiện phân loại đánh giá rủi ro và có biện pháp phù hợp để kiểm soát tốt chất lượng tín dụng - yếu tố tiên quyết trong mọi hoàn cảnh và điều kiện mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng, do thiên tai và dịch bệnh.
Thứ hai, chu chuyển vốn chậm và vòng quay tín dụng chậm lại, do chính quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tạm ngưng hoạt động, gián đoạn sản xuất và tiêu thụ hàng hóa chậm. Khó khăn này, về mặt quản trị sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn và gia tăng áp lực về cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn, giữa huy động vốn và hoạt động tin dụng.
Thứ ba, chi phí tăng. Hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội và bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, cũng như mọi doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác, chi phí hoạt động của các TCTD cũng tăng thêm: chi phí cho công tác phòng chống dịch, để thực hiện tốt nguyên tắc 5K và đảm bảo phòng chống lây nhiễm cho môi trường làm việc; chi phí xét nghiệm và chi phí cho các biện pháp giãn cách xã hội, với việc thực hiện mô hình 3 tại chỗ và một cung đường hai điểm đến; chi phí bảo vệ sức khỏe cán bộ nhân viên… Hoạt động kinh doanh thu hẹp, song các chi phí quản lý, chi phí tiền lương, bảo hiểm vẫn phải đảm bảo cho cán bộ nhân viên. Đây là thách thức trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và hiệu quả quản lý đối với các TCTD hiện nay.
Giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả những tháng cuối năm
Với những khó khăn thách thức trên đây, cùng với yêu cầu đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, kiểm soát tốt chất lượng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đạt mục tiêu và nhiệm vụ chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, các TCTD cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực chất và hiệu quả. Đây là giải pháp không mới, song tiếp tục là giải pháp quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay, bởi lẽ thực hiện tốt sẽ không chỉ hoàn thành trách nhiệm nhiệm vụ Chính phủ và NHNN giao cho các TCTD mà còn giúp cho các TCTD, ngành ngân hàng khắc phục và xử lý được thách thức về tiềm ẩn nợ xấu gia tăng; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và đẩy nhanh vòng quay tín dụng hiệu quả. Theo đó, các TCTD tiếp tục thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo Thông tư 01 và Thông tư 03 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Hai là, phân loại và đánh giá khách hàng, đánh giá doanh nghiệp theo mức độ hoạt động của doanh nghiệp, với các tiêu chí: doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội; doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động; phân tích doanh nghiệp hoạt động theo lĩnh vực, ngành để có biện pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp, cũng như để hỗ trợ doanh nghiệp; tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi dịch được kiểm soát; mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; doanh nghiệp thu mua dự trữ lương thực thực phẩm và vật tư hàng hóa cho dịp cuối năm…
Ba là, giải pháp mang tính động lực, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào truyền thống ngành Ngân hàng, tự hào là ngành tiên phong và hoạt động chuyên nghiệp để đoàn kết, đồng lòng chung sức hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, với quan điểm 'hỗ trợ doanh nghiệp là hỗ trợ chính mình". Theo đó, các TCTD cần thực thi các giải pháp về giảm chi phí cho doanh nghiệp (phí dịch vụ; lãi suất…) thiết thực và hiệu quả.