Hiến kế giải pháp mấu chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất

Hạ Băng

Để thực hiện mục tiêu tăng năng suất và áp dụng thành công Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn nhiều địa phương, các chuyên gia hiến kế 4 giải pháp mấu chốt.

Trong bối cảnh hiện nay, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và phát triển bền vững.

Một là, các địa phương phải nghiên cứu xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo nền tảng về chính sách tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất.

Các giải pháp cần tập trung vào phối hợp triển khai bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất, các hoạt động cải tiến năng suất, chia sẻ thông tin, dữ liệu về năng suất phục vụ doanh nghiệp.

Triển khai các hoạt động đánh giá năng lực quản trị, quản lý năng suất, chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương.

Hai là, xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu, tư vấn, xây dựng mô hình điểm về cải tiến năng suất, để tránh việc xây dựng những chương trình hỗ trợ dàn trải, thiếu tập trung và không đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động nâng cao năng suất cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

Nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới để áp dụng phù hợp cho các doanh nghiệp, tổ chức ở các quy mô khác nhau trên địa bàn tỉnh; lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức làm mô hình mẫu triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến (ISO 56000, ISO 9001, 5S, Kaizen).

Ba là, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động cải tiến năng suất. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp, việc tạo cơ sở nền tảng về nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất. 

Bốn là, tăng cường các hoạt động truyền thông về năng suất, nhằm hướng tới mục đích tạo nền tảng cải tiến năng suất và nhận thức về cải tiến năng suất trong cộng đồng.

Hoạt động truyền thông thiết thực nhất vẫn là chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và các bài học thành công. Vì vậy, cần có các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình, doanh nghiệp điểm áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, chương trình đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất.

Có thể khẳng định, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp các địa phương nói riêng, cũng như nền kinh tế cả nước nói chung.

Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và phát triển bền vững.