Hấp thụ công nghệ kém "cản bước" nâng cao năng suất của doanh nghiệp

Cẩm An

Dù có nhiều nỗ lực song thời gian qua, việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động còn hạn chế.

Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Internet
Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: Internet

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong các doanh nghiệp sản xuất nước ta. Tuy nhiên, có thực tế là nhiều doanh nghiệp sản xuất vẫn sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0.

Thời gian qua, dù mong muốn hợp tác và học hỏi, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài song doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Số lượng doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt khoảng 300 trên tổng số 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, chủ yếu cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng thấp hoặc đơn giản (nguyên liệu thô, bán thành phẩm, bao bì đóng gói…).

Trình độ của doanh nghiệp cơ bản ở mức trung bình và lạc hậu, năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, mức độ ứng dụng, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp còn ở mức thấp. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng máy móc trong sản xuất mức tự động hóa thấp, dựa vào sức lao động là chủ yếu. 

Việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ khu vực doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động thời gian qua còn hạn chế.

Doanh nghiệp trong nước chủ yếu mới tham gia ở các khâu, công đoạn tạo giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất, nhất là các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, may mặc, da giày, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành thâm dụng lao động.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, có nhiều thách thức trong quá trình doanh nghiệp đổi mới nâng cao năng suất chất lượng. Đầu tiên là về máy móc, thiết bị. Phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn ngại chuyển đổi số, lý do chính là vấn đề tài chính và sự am hiểu công nghệ.

Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ, qua đó ảnh hưởng đến lợi ích tiềm năng và cân nhắc của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có nhiều lựa chọn về tài chính. Muốn thúc đẩy nền sản xuất thông minh, nhất định phải có hệ điều hành, nhà máy thông minh để khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp nhưng việc đầu tư vào những giải pháp này đòi hỏi chi phí rất lớn, nhiều khi vượt quá năng lực của doanh nghiệp.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ. Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh, tạo ra thị trường mới, thu hút nguồn lực tài trợ của các đối tác, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm lãng phí, nâng cao uy tín doanh nghiệp. Đồng thời, đây là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm...