Nâng vị thế hàng Việt
(Tài chính) Để người tiêu dùng tin tưởng và tiêu dùng hàng nội không thể chỉ hô hào, kêu gọi. Các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh phân phối, và đặc biệt là Nhà nước, phải có chiến lược như thế nào, nếu không chúng ta sẽ không kịp xoay chuyển tình thế khi xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn. (Phần I)
Nhìn nhận yếu kém trong sản xuất - kinh doanh:
Thị trường Việt là lãnh địa đang còn bỏ ngỏ: Thời gian vừa qua, chúng ta chứng kiến hiện tượng bùng nổ siêu thị, một số lượng lớn siêu thị bán lẻ được khai trương trên khắp cả nước, các thương hiệu ngoại đã và đang ồ ạt đổ vào Việt Nam là xu thế không cưỡng lại được, điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm và đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt, nơi có trên 90 triệu dân, với tỷ lệ dân số trẻ cao hơn hẳn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Các nhà đầu tư nhìn thấy ở Việt Nam một môi trường đầy tiềm năng với khả năng lợi nhuận cao, trong đó, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Việt Nam trung bình trong 5 năm qua là 21,2%, đạt 124 tỷ USD trong năm 2013. Điều quan trọng khiến các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam và họ có thể tận dụng được cơ hội do thị trường Việt Nam vừa là một “miếng bánh ngon” mà ở đó người bản địa lại chưa biết cách “làm bánh” và chưa có kinh nghiệm “bán bánh”. Không chỉ hàng hóa công nghệ cao - lĩnh vực Việt Nam còn yếu kém, mà cả hàng hóa tiêu dùng - là lãnh địa có nhiều ưu thế tại sân nhà, thì nhà sản xuất và nhà kinh doanh phân phối Việt Nam cũng chưa làm được hết sức mình.
Nhìn vào bình diện một gia đình, vẫn thấy giỏ hàng hóa tiêu dùng chủ yếu là hàng nhập ngoại, hàng trong nước chiếm tỷ lệ thấp. Nhưng có một câu hỏi khá đau lòng đặt ra là: nếu ta không dùng hàng ngoại (hàng Trung Quốc, Thái Lan,…) thì làm sao có đủ hàng tiêu dùng? Đây chính là vấn đề mà các nhà sản xuất trong nước cần suy nghĩ.
Nhà sản xuất đã làm sứt mẻ niềm tin của người tiêu dùng: Người sản xuất phải quan tâm đến nhu cầu của người tiêu dùng, sản xuất những gì người tiêu dùng muốn chứ không phải bán cho họ những gì doanh nghiệp có - Điều này hầu như ở đâu cũng nêu ra, ai cũng hiểu, nhưng thực hiện như thế nào không phải đơn giản. Chúng ta sẽ còn hội nhập sâu hơn nữa, do vậy việc cạnh tranh trên thị trường nội còn khó khăn hơn, trong khi công nghệ sản xuất của ta chủ yếu là nhập ngoại và có đến 50-60% là từ trước những năm 70, năng xuất thấp hơn từ 2-15 lần so với các nước trong khu vực, hàng sản xuất có giá thành cao, chất lượng không ổn định.
Không phải các doanh nghiệp Việt sẽ bị mất thị phần nếu các nhà bán lẻ ngoại xâm nhập vào thị trường nội. Điều cơ bản là các doanh nghiệp trong nước có sản xuất được hàng hóa chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh hay không? Làm sao để tiêu chí “hàng Việt Nam có chất lượng cao” thực sự lên ngôi?. Một thời gian dài, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, đến mức từ cái nhỏ nhất như que tăm xỉa răng, cái tăm bông ngoáy tai hay khăn lau, đồ nhựa, quần áo, giày dép, đồ uống, bánh kẹo… Đến nay, sản xuất trong nước đang dần chiếm lĩnh lại thị trường, nhưng có một thực tế là, hàng hóa chúng ta sản xuất thì nguyên liệu chủ yếu vẫn phải nhập ngoại và chủng loại hàng hóa chủ yếu vẫn là hàng tiêu dùng, chất lượng và mẫu mã còn thua kém một số hàng hóa các nước khác, đặc biệt là Thái Lan, một nước trong khu vực, gần Việt Nam, hàng hóa nhập dễ dàng qua Campuchia, Vịnh Thái Lan… Hàng Thái Lan sản xuất có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả phải chăng, khác hẳn hàng Trung Quốc, có quá nhiều vấn đề về chất lượng khiến người tiêu dùng lo ngại. Một số hàng hóa như đồ nhựa, may mặc, hàng nông sản, thực phẩm… chúng ta đã vượt được qua hàng Trung Quốc… nhưng nếu không quan tâm tăng cường chất lượng, mẫu mã và giảm thiểu chi phí hơn nữa thì chúng ta sẽ không thắng nổi xu thế hàng ngoại (Á, Âu, Mỹ…) sẽ tràn ngập Việt Nam với hàng ngàn sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng và giá cả phù hợp… nhất là khi Việt Nam cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, thực hiện hội nhập toàn cầu và tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN-EU, Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, liên minh ASEAN- Canada, Việt Nam – EFTA, Việt Nam – Liên minh thuế quan… giúp một số lượng lớn các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới mang hàng hóa đến chia sẻ thị phần ở Việt Nam.
Ngành thương mại chưa lấy được lòng “thượng đế”: Phải thẳng thắn nhìn nhận, hàng hóa của ta chất lượng chưa cao, mẫu mã chưa đẹp, người sản xuất chưa nhạy bén với thị trường, chưa đáp ứng thị hiếu của đại đa số, chưa cung ứng hàng hóa phù hợp với vùng miền. Chiến lược quảng cáo chưa hiệu quả, không biết phát huy ưu thế của hàng nội. Thậm chí, kể cả với hàng Việt Nam có chất lượng, được thị trường ngoại công nhận thì người kinh doanh vẫn chạy theo tâm lý sính ngoại, đeo cho hàng Việt những mác giả (ví dụ gạo Việt Nam thơm, ngon, dẻo nhưng lại được gắn mác gạo Nhật, Thái, Hàn… để bán với giá cao hơn, bán chạy hơn), vô hình chung, đã tiếp tay quảng cáo cho hàng ngoại và cổ súy cho thói quen tiêu dùng hàng ngoại. Một số ngành trong nước đã sản xuất được như thuốc lá, đường, nông sản,... nhưng tình hình nhập lậu qua biên giới không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất trong nước.
Chưa kể tới việc, hàng được “sinh ra” ở nước này nhưng lại lấy “quốc tịch” nước khác. Các cuộc điều tra hệ thống bán lẻ ở một số siêu thị vừa qua cho thấy, rất nhiều hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại gắn mác hàng Úc, NewZeland, Mỹ, Nhật, Việt Nam… với giá cả không phù hợp, đánh lừa người tiêu dùng. Thậm chí, hàng thực sự là sản xuất tại Việt Nam thì người tiêu dùng cũng không tin tưởng đó là hàng Việt (rất nhiều rau quả như táo, cam, quýt, dâu, cà chua, cà rốt, bắp cải, nấm, hành, củ cải… hay thịt, cá… là hàng nuôi trồng, sản xuất tại Việt Nam cũng bị người tiêu dùng nghi là của Trung Quốc, rồi tẩy chay không mua, khiến nhiều khi cả một vùng sản xuất nông sản điêu đứng vì không bán được hàng, hàng rớt giá thảm hại).
Mặt khác, do thông tin về mức độ ảnh hưởng và gây hại cho người tiêu dùng của các loại sản phẩm từ Trung Quốc khiến hàng Việt Nam xuất khẩu có cơ hội để lên ngôi, nhưng trong các cửa hàng với tên là “made in Vietnam” đó thì người bán cũng trà trộn không ít hàng Trung Quốc với giá cả giữa các cửa hàng “made in Vietnam” cũng chênh lệch nhau rất nhiều. Tóm lại, người tiêu dùng đi mua hàng như đi trong ma trận, không biết đâu mà lần.
Và một điều không kém quan trọng, đó là, hệ thống phân phối nội địa của ta còn rất kém, cả ba cấp đều chưa có chiến lược bán lẻ lâu dài, chưa có chiến lược hậu mãi giữ chân khách hàng. Nói một cách hình tượng, chúng ta chưa có người “nhạc trưởng”, tổng chỉ huy “dàn nhạc” điều hành “bản giao hưởng” thị trường sao cho nhịp nhàng và hiệu quả.
Do vậy, để vực dậy nền thương mại Việt Nam cần rất nhiều công sức.
Nâng vị thế hàng Việt (Phần II)
Các nhà sản xuất Việt Nam phải xây dựng một chiến lược cho hàng hóa Việt Nam như thế nào?
Các nhà phân phối Việt Nam phải đổi mới phương thức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường ra sao?
Nhà nước có phương thức nào để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước?
Chúng tôi xin đăng nội dung trên trong bài Nâng vị thế hàng Việt (Phần II).