Nên “cởi mở” hơn với hạn mức giao dịch ví điện tử
Nhiều chuyên gia khuyến nghị nên nới hạn mức giao dịch qua ví điện tử, đặc biệt là đối với tổ chức, để khuyến khích phát triển loại hình giao dịch này.
Một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dự luận tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán chính là đề xuất hạn mức giao dịch qua ví điện tử (tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng với cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng với tổ chức).
Lý giải việc đưa ra hạn mức hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức, NHNN Việt Nam cho biết, quy định này nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.
Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán của NHNN, hạn mức 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng với cá nhân là để tránh trường hợp cá nhân kinh doanh dùng ví để che dấu các mục đích khác như nghĩa vụ thuế… Hạn mức này đã được NHNN nghiên cứu và có căn cứ thực tiễn giao dịch ở các ví điện tử hiện nay cũng như tham khảo ở các nước khác trên thế giới.
Theo ông Dũng, các giao dịch qua ví điện tử thông thường chỉ dao động quanh mức 200.000 đồng, trong khi giá trị bình quân lớn nhất cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng. "Nếu áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng, có nghĩa đã tăng hơn 500% so với mức thực tế hiện nay. Do đó, hạn mức này là phù hợp. Nếu có nhu cầu thanh toán cao hơn số tiền này, người dân có thể sử dụng những phương thức thanh toán khác như thẻ...", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử đề nghị NHNN nên nâng cao hơn hạn mức giao dịch, thậm chí bỏ quy định về hạn mức giao dịch hàng ngày. Theo bà Trương Cẩm Thanh - Chủ tịch HĐQT ZaloPay, việc đặt hạn mức thanh toán theo ngày sẽ gây nhiều khó khăn cho khách hàng. Bởi để thanh toán vé máy bay hay mua các dịch vụ khi đi du lịch nước ngoài..., số tiền phải thanh toán sẽ lớn hơn con số 20 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty M-Service (đơn vị cung cấp ví điện tử MoMo) cũng đề xuất tăng hạn mức tháng đối với ví điện tử dành cho cá nhân và bỏ hạn mức giao dịch đối với doanh nghiệp. “Hiện nhiều doanh nghiệp có nhu cầu chi những khoản tiền nhỏ cho hàng chục nghìn nhân viên. Hoạt động của họ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển người dùng cá nhân của ví điện tử. Do vậy, quy định về hạn mức giao dịch đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và sự phát triển của lĩnh vực ví điện tử”, ông Diệp nhấn mạnh.
Không chỉ các doanh nghiệp - những người chịu tác động trực tiếp từ quy định định này, mà cả giới chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN nên tính toán lại theo hướng mở hơn đối với hạn mức giao dịch qua ví điện tử, đặc biệt là đối với doanh nghiệp, để không cản trở sự phát triển của ví điện tử.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV đề nghị cơ quan soạn thảo cần tính đến thực tế thu nhập bình quân đầu người tăng, tiêu dùng cá nhân cũng gia tăng rất nhanh, để đặt ra hạn mức phù hợp, không kìm hãm phát triển thanh toán điện tử. Chẳng hạn việc đưa ra hạn mức giao dịch tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng/tháng, có nghĩa cá nhân đó chỉ được giao dịch có 5 ngày trong 1 tháng nếu mức giao dịch hàng ngày đạt mức tối đa 20 triệu đồng. “Nếu chủ ví điện tử cần tiêu dùng nhiều hơn 5 ngày/tháng thì sao? Do đó, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc hạn mức giao dịch ví điện tử đối đa lớn hơn trong 1 tháng, khi thu nhập bình quân đầu người của chúng ta tăng lên nhanh chóng, tiêu dùng ngày càng nhiều”, ông Lực khuyến nghị.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – người đã từng có nhiều năm hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Mỹ cũng đề nghị tăng hạn mức giao dịch lên gấp đôi so với mức dự thảo đưa ra, cụ thể cá nhân lên 50 triệu đồng/ngày, 200 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp lên 200 triệu đồng/ngày, 1 tỷ đồng/tháng.
Thậm chí lo ngại những quy định quá chặt đối với ví điện tử sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thương mại điện tử, ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thương mại điện tử có những tăng trưởng vượt bậc trong thời gian gần đây, do đó cần có cơ chế khuyến khích thay vì hạn chế. Theo ông Hưng, khi mở ví điện tử, các công ty cung cấp dịch vụ nên đặt ra quy định cá nhân nào có nhu cầu cao hơn thì có quyền mở thêm. NHNN sẽ nắm bắt tình hình thực tế và điều chỉnh nếu gây ảnh hưởng nhiều.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, cơ quan quản lý sẽ xem xét để có mức điều chỉnh phù hợp nhất. Đặc biệt với đề xuất bỏ hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của doanh nghiệp, ông Dũng cho biết có thể cởi mở hơn.