Nên đầu tư vào đâu nếu lạm phát tăng cao?
Trên thế giới, nhiều quốc gia đang đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao, vượt quá mục tiêu ban đầu. Tại Việt Nam, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng nguy cơ tăng cao luôn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, đầu tư gì và đầu tư như thế nào để bảo toàn và sinh lời vốn là điều mà nhiều nhà đầu tư đang hết sức quan tâm.
Nguy cơ lạm phát cao
Lạm phát ở Mỹ đã tăng lên mức không tưởng 6,2%, cao nhất trong 31 năm qua và vượt quá kỳ vọng 5,8% của giới phân tích. Trong khi đó, thu nhập của người Mỹ chỉ tăng ở mức độ khiêm tốn, tăng 0,2%. Thu nhập khả dụng thậm chí còn tăng ít hơn, chỉ tăng có 0,1%.
Đối với Canada, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2021 đã tăng tốc chóng mặt lên mức cao nhất 18 năm qua là 4,7%, do giá khí đốt cao, chi phí nhà ở tăng và giá thực phẩm ở mức cao.
Lạm phát của Mexico cũng đang ở mức 6,24%, trong khi chỉ số lạm phát mục tiêu của nước này là 3%. Tại Đức, tỷ lệ lạm phát trong tháng 10/2021 là 4,5%, cao nhất kể từ năm 1993 đến nay.
Ở Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng CPI 10 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất trong 6 năm. Trong năm 2021, chỉ số CPI chỉ có tháng 2 tăng mạnh (1,52%) còn lại 9 tháng chỉ tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng -0,2% đến 0,6%. Dự báo, cả năm 2021 CPI sẽ tăng khoảng 2,1-2,3%.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cả trên thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận tải, khan hiếm nhiên liệu... đã và đang đặt ra nhiều băn khoăn về áp lực lạm phát đối với Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022. Ngoài ra, giá xăng và những tờ trình về gói kích thích kinh tế khổng lồ cũng là những yếu tố tác động không nhỏ tới giá cả trong nước.
Tìm kênh trú ẩn tài sản an toàn
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên gia tài chính cá nhân, nhà sáng lập "Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam VWA", trước áp lực giá cả leo thang, các nhà đầu tư có những kênh “trú ẩn” tài sản khác nhau, nhưng quy lại thường có 5 kênh đầu tư và trú ẩn tài sản chính.
Kênh đầu tư đầu tiên là gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, với chính sách tiền rẻ, lãi suất giảm, thì giá trị sinh lời của tiền gửi sẽ không cao, thậm chí âm. Bởi, khi lợi nhuận (lãi suất gửi tiết kiệm) sau khi trừ đi mức lạm phát thì giá trị lợi ích thực thu về sẽ không cao, thậm chí không đủ bù cho mức tăng giá.
Kênh đầu tư thứ hai là trái phiếu doanh nghiệp, do lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phải là không có, nếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo chất lượng.
Dòng tiền có thể chuyển sang đầu tư vàng. Thực tế, từ nhiều năm nay, nhiều nhà đầu tư đều đặn mua vàng bởi nỗi sợ lạm phát của thị trường, ám ảnh câu chuyện “mất giá”. Đó là lý do, giá vàng tăng vụt trong thời gian gần đây. Thậm chí, nhiều cửa hàng vàng trong nước cho biết, hiện không có đủ vàng miếng để bán, bởi cầu quá lớn, dẫn tới giá vàng trong trong nước chênh giá vàng thế giới tới hơn chục triệu đồng/lượng.
Hai kênh đầu tư còn lại là bất động sản và chứng khoán. Dòng tiền đang có xu hướng chảy vào hai kênh này rất cao.
Ông Tuấn cho rằng, việc đầu tư cần phải có tư duy chu kỳ và có sự chuẩn bị từ trước, để đến lúc thị trường biến động có thể hưởng quả ngọt. Nhà đầu tư tránh đến lúc giá cao rồi mới mua đuổi, chạy theo đám đông, bị cuốn theo hiệu ứng Fomo, trở thành đu đỉnh.
Còn theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, trong ngắn hạn, chứng khoán và bất động sản có thể tạo ra giá trị lợi nhuận dễ dàng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, nhà đầu tư trong ngắn hạn cần quan sát sự dịch chuyển của dòng tiền, nhưng không nên quá tham lam, dễ bị mất tiền.
Về dài hạn, ông Phan Dũng Khánh khuyến nghị nhà đầu tư có thể sử dụng các kênh đầu tư an toàn hơn như là trái phiếu chính phủ, bảo hiểm và vàng. Nếu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư cần cân nhắc chọn doanh nghiệp phát hành có chất lượng kinh doanh tốt, có tài tài sản đảm bảo giá trị cao.