Nên trao quyền lập quy cho chính quyền đặc khu
“Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải làm rõ hơn nữa ý nghĩa, vị trí của đặc khu. Nó phải là đầu tàu về kinh tế, mang tầm cỡ quốc gia. Chính quyền ở đặc khu phải có quyền lập quy. Họ có quyền trả lương ra sao để thu hút người tài cũng như quyết định các chính sách thu hút nhà đầu tư…” - PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm
Phóng viên: Theo ông, nên xây dựng một luật áp dụng chung cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt hay mỗi đơn vị cần có luật riêng?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Nguyên tắc cơ bản của đặc khu (đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt - PV) là giống nhau, vì thế hoàn toàn có thể xây dựng một luật để áp dụng chung. Tuy nhiên, mỗi đặc khu có đặc thù riêng về tọa độ, địa lý, quan hệ đối tác…, nếu chỉ áp một cái chung, cứng nhắc sẽ gây bất cập.
Bản chất của đặc khu kinh tế chính là sự tự do hóa. Tức là, đặc khu kinh tế phải có những quyền mà các nơi khác, vùng khác không có. Nhưng đi liền với quyền phải là trách nhiệm.
Chẳng hạn, được quyền tự do định đoạt về đất đai thì trách nhiệm phải như thế nào? Do đó, ngoài những nguyên tắc chung, luật nên có những quy định riêng cho từng đặc khu. Nếu Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thỏa mãn được yếu tố này sẽ tạo cho các đặc khu sức hấp dẫn đặc biệt.
Dự thảo ban đầu của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có vẻ nặng về những ưu đãi thuế, phí, đất đai… mà nhẹ về những đột phá thể chế, bộ máy. Quan điểm của ông như thế nào?
Chúng ta không nên tách biệt ưu đãi kinh tế hay hành chính mà nên hiểu hai vấn đề này luôn song hành, không tách rời nhau. Hành chính bảo đảm cho tổ chức, bộ máy chính quyền… hoạt động, còn những quy định ưu đãi về kinh tế lại bảo đảm thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh…
Riêng đối với những ưu đãi về kinh tế trong Dự thảo lần này khiến tôi thực sự sửng sốt! Cách tiếp cận rất rộng; các quy định được tách ra cụ thể, mở và thực sự thông thoáng. Giá như, những điều này được đưa ra sớm hơn 10 - 15 năm thì dứt khoát chúng ta đã có những đặc khu kinh tế lẫy lừng như Thâm Quyến (Trung Quốc), hay Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập - UAE).
Báo cáo đánh giá tác động của Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho biết, sau giai đoạn 2020, các đơn vị sẽ đóng góp lớn cho ngân sách, tăng trưởng GDP... Cụ thể, tại Vân Đồn (Quảng Ninh), ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD. Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ước thu từ thuế, phí 1,2 tỷ USD, từ đất 1 tỷ USD, các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng 10 tỷ USD. Phú Quốc (Kiên Giang) ước thu từ thuế, phí, đất 3 tỷ USD, các doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng 19 tỷ USD. Ông bình luận gì về những con số đó?
Theo tôi, việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, không nên nhìn nhận giá trị gia tăng mà các đặc khu mang lại dưới dạng định lượng. Bởi, nếu xét về tiềm năng thì những con số trên chưa sát chuẩn.
Chúng ta cũng phải xác định trong những năm đầu, có thể đặc khu kinh tế chưa chắc đã tạo ra được những giá trị gia tăng về mặt kinh tế như mong muốn. Nhưng những năm sau đó, sẽ có nơi vượt trội hẳn những tính toán ban đầu.
Điều này có thể hoàn toàn xảy ra. Ví dụ, Thâm Quyến của Trung Quốc cách đây 30 năm chỉ là vùng đất nghèo với 300 nghìn dân, thu nhập có 100 USD/người/năm. Ban đầu tưởng có lúc thất bại nhưng nay, dân số Thâm Quyến đã lên tới 10 triệu dân với GDP gấp rưỡi chúng ta.
Vậy theo ông, khi xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chính phủ cần lưu ý vấn đề gì?
Chúng ta đi sau nên đã có sẵn những hình mẫu để tham khảo, song vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của chúng ta lại là một vấn đề.
Ở Việt Nam, quan niệm về ưu đãi thường được hiểu là các chính sách miễn giảm về thuế, đất…, khía cạnh về quản lý Nhà nước lại ít được chú ý. Đối với các tập đoàn lớn, việc cho hưởng chút lợi ích về thuế, đất đai không hề quan trọng.
Cái mà họ quan tâm chính là sự độc lập trong điều hành, hệ thống thể chế có vượt trội không, bảo đảm theo thông lệ quốc tế không? Chính sách có ổn định, minh bạch, có thể dự đoán được hay không?... Cũng vì chúng ta quá nặng về ưu đãi kinh tế nên không ít nhà đầu tư nhanh chân tranh thủ vào để hưởng lợi ban đầu, hết là rút quân.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của các nước và của chính chúng ta trong việc thành lập và phát triển đặc khu, theo tôi Dự thảo phải làm rõ hơn nữa ý nghĩa, vị trí của đặc khu.
Nó phải là đầu tàu về kinh tế, mang tầm cỡ quốc gia chứ không thể mang tầm một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính quyền ở đặc khu không có quyền lập pháp nhưng phải có quyền lập quy.
Chẳng hạn, họ có quyền trả lương như thế nào để thu hút người tài; hay quyết các chế độ khuyến khích ra sao để thu hút nhà đầu tư… Có như vậy mới bảo đảm được tính độc lập vượt trội của đặc khu ấy.
Cũng xin lưu ý, phải là một hệ thống thể chế đẳng cấp, vượt trội, phù hợp thông lệ quốc tế mới có thể biến những nơi này thành đặc khu đúng nghĩa. Sẽ không một nhà đầu tư nước ngoài nào bỏ vào hàng tỷ USD mà không cần cơ sở pháp lý cao nhất bảo đảm cho đồng tiền của họ.
Xin cảm ơn ông!