Nên xây dựng trung tâm đổi mới Fintech tại Việt Nam

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Theo chuyên gia, việc thành lập Fintech Innovation Hub (Trung tâm đổi mới công nghệ tài chính) tại Việt Nam có thể đem lại những lợi ích thiết thực và hỗ trợ cho cộng đồng Fintech start up.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trung Quốc dẫn đầu về Fintech

Trung Quốc đang ngày càng củng cố vị trí dẫn đầu về dịch vụ Fintech trong thập kỷ qua, với những công ty công nghệ lớn bùng nổ nhờ chính sách của Chính phủ và nhu cầu dịch vụ công cộng tăng cao dựa vào các tùy chọn thanh toán điện tử. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới theo đó phần lớn không dùng tiền mặt và thanh toán di động thông qua các nền tảng tư nhân phổ biến trong thương mại.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn mạnh mẽ triển khai tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC), với nhiều chương trình thử nghiệm trên khắp đất nước, bao gồm cả việc cho du khách nước ngoài sử dụng trong Thế vận hội mùa đông 2022 gần đây.

Theo phân tích của công ty tài chính KPMG, Trung Quốc như một thỏi nam châm thu hút các khoản đầu tư vào Fintech, với tổng mức tăng từ 900 triệu USD trong nửa cuối năm 2020 lên hơn 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, những bất ổn đã nảy sinh khi Bắc Kinh tăng cường trấn áp các công ty công nghệ lớn như Alibaba, nhất là trong năm 2022, nhưng các nhà phân tích vẫn kỳ vọng, lĩnh vực Fintech của Trung Quốc sẽ không suy giảm sức cạnh tranh.

Ở Trung Quốc, thanh toán di động không chỉ được sử dụng bởi dân số thành thị tương đối am hiểu công nghệ, mà còn được sử dụng ngày càng nhiều bởi người dân ở các vùng nông thôn xa xôi. Dữ liệu từ công ty kiểm toán Ernst & Young, được công bố vào tháng 6/2021 cho thấy, Trung Quốc đại lục có tỷ lệ thâm nhập dịch vụ Fintech cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, ở mức 87%. Tỷ lệ này là khoảng 67% ở Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.

Martin Chorzempa, một thành viên cấp cao tại Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết trên tờ South China Morning Post rằng: “Trung Quốc có tất cả các yếu tố để thâm nhập Fintech như cơ sở hạ tầng mạng, mức độ thâm nhập điện thoại thông minh cao, cho phép nước này đi trước để chuyển sang thanh toán kỹ thuật số hoàn toàn trên điện thoại thông minh”.

Richard Turrin, tác giả cuốn sách Cashless (Không dùng tiền mặt) nhận xét, cách mạng tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc cho thấy mức độ thâm nhập cao của các dịch vụ Fintech tại nước này, nhờ vào quyết định của Ngân hàng Trung ương cho phép các công ty công nghệ lớn Alibaba và Tencent tham gia vào lĩnh vực thanh toán năm 2014.

“Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định một cách chính xác rằng, Trung Quốc cần phải số hóa hơn nữa hệ thống tài chính của mình và công nghệ lớn có thể làm điều này tốt hơn các ngân hàng. Điều này dẫn đến việc Alipay và WeChat Pay ra mắt dịch vụ thanh toán vào năm 2014 và thay đổi cơ bản việc thanh toán ở Trung Quốc”, ông nói.

Có thể thấy, Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn mà các công nghệ như dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain đều được áp dụng cho Fintech. Tuy nhiên, Chính phủ nước này hầu như chỉ cho phép các công ty công nghệ phát triển dịch vụ của họ, nhưng đến thời gian gần đây thì bắt đầu thắt chặt các quy định.

Việc các nhà chức trách ngày càng mở rộng việc kiểm soát các công ty khổng lồ, từ các hoạt động chống cạnh tranh đến vi phạm bảo mật dữ liệu và lạm dụng thuật toán, dự kiến sẽ kìm hãm sự phát triển của các công ty này. Một số người coi lập trường quản lý mạnh mẽ hơn là do chính phủ đang tìm cách làm suy yếu sự thống trị của các công ty công nghệ, để đảm nhận vai trò lớn hơn trong lĩnh vực Fintech.

Vai trò của các công ty công nghệ lớn có thể giảm đi và các nền kinh tế đang phát triển khác có thể làm nóng cuộc đua trên toàn cầu với những tiến bộ nhanh chóng, nhưng Trung Quốc rõ ràng có ý định duy trì vị trí dẫn đầu của mình. Tác giả Turrin đề cập đến kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của đất nước này, bao gồm một phần về thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số.

“Rõ ràng không chỉ là Trung Quốc phải nắm bắt cơ hội và không chỉ trong lĩnh vực Fintech, mà còn cho mọi thứ từ thương mại điện tử đến Internet băng thông rộng. Toàn bộ quốc gia đang tập trung vào kỹ thuật số. Đó là lý do tại sao các quốc gia khác sẽ khó theo kịp Fintech của Trung Quốc và khó vượt qua những thành quả này”, Richard Turrin nhận định.

Cần hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam

Theo TS. Đỗ Quang Trị (Trường Đại học Văn Lang) đánh giá, tại Việt Nam, Fintech vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển ở dưới mức tiềm năng do hệ sinh thái chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể như: Chính phủ, tổ chức tài chính và các doanh nghiệp Fintech, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính - viễn thông,... Tuy nhiên, hoạt động Fintech tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh vượt bậc.

Về tiềm năng phát triển, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, khả năng nắm bắt xu thế nhanh, lại rất được các nhà đầu tư quốc tế quốc tế quan tâm, trong khi đó Fintech lại là hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Fintech trong nước có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Thực tế là trong những năm gần đây, các lĩnh vực hoạt động của ngành Công nghệ tài chính đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, có các doanh nghiệp công nghệ lớn như: FPT, Viettel, VNPT đang rất quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp về công nghệ tài chính. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo năm 2022, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 10 - 11 tỷ USD và tăng mạnh hơn vào những năm sau.

Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Đỗ Quang Trị, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này vẫn còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán vẫn còn chưa đồng bộ. Đặc biệt, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của Công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân.

Đến nay, Việt Nam vẫn còn là quốc gia đang phát triển, mặc dù có nguồn lao động trẻ, nhạy bén khi tiếp cận với lĩnh vực mới nhưng với nền kinh tế chưa thực sự phát triển nên cơ sở hạ tầng công nghệ vẫn yếu kém. Cho nên vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ bảo mật. Thêm vào đó, người sử dụng hệ thống không có ý thức bảo mật thông tin cá nhân như: Họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản,…

Do đó, để hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, cần hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về hoạt động Fintech. Rà soát, xây dựng khuôn khổ pháp lý, bao gồm xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực Fintech đối với các dịch vụ, mô hình chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng lưới hỗ trợ đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp startup nói chung và startup trong lĩnh vực Fintech nói riêng.

Trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia đã triển khai thành công, việc thành lập Fintech Innovation Hub (Trung tâm đổi mới công nghệ tài chính) tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, có thể đem lại những lợi ích thiết thực và hỗ trợ cho cộng đồng Fintech Startups.

 Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, một chuyên gia Fintech cho biết, hiện nay dù đã có Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngoài ra là một số Trung tâm khác và nhận được sự tài trợ từ nhiều tổ chức lớn trên thế giới, nhưng các Trung tâm này vẫn chưa đạt được những thành tựu nổi bật.

Còn riêng với Fintech, đây được xem là một lĩnh vực có tính đặc thù cao, Chính phủ mới giao cho Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh và theo dõi sự phát triển của Fintech, nhưng bản chất Fintech là sự kết hợp không chỉ của tài chính, thanh toán, mà còn là câu chuyện của công nghệ cao. Do đó, Việt Nam nên có một Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ tài chính, hay một Viện chuyên trách, có đơn vị chủ trì cụ thể. Đặc biệt, nên có sự góp ý thường xuyên của các doanh nghiệp, mời được chuyên gia của các công ty trong và ngoài nước, học hỏi mô hình của nước ngoài.

Ví dụ như tại Hàn Quốc có mô hình chia sẻ dữ liệu chéo giữa các cơ quan với nhau. Việc tiếp cận và sử dụng thông tin của các khu vực với nhau, là những yếu tố có quan hệ qua lại trong quá trình chuyển dịch, hướng tới nền kinh tế dựa trên tri thức, các mô hình số hoá mới là đầu tàu của sáng tạo và tăng trưởng. Vì lẽ đó, việc chia sẻ thông tin có thể đóng góp trực tiếp vào quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như cải thiện hiệu suất và năng suất trong toàn bộ các cơ quan bằng nhiều cách thức khác nhau.

Đáng chú ý, phải đề cao lợi ích của nhân dân và Chính phủ thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, thay vì để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.