Nếu các thông số đầu vào tăng từ 3-5%, EVN được quyết định điều chỉnh giá

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đó là một trong những kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên.

Chỉ tính riêng trong năm 2013, giá trị đầu tư của EVN đã đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Chỉ tính riêng trong năm 2013, giá trị đầu tư của EVN đã đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo EVN xây dựng phương án để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT, ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng: nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá

Còn, các Bộ Công Thương, Tài chính chỉ thực hiện công tác hậu kiểm.

Phó Thủ tướng cũng giao EVN xây dựng kế hoạch thực hiện các đề xuất mà Tư vấn Mercados xây dựng về Các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên, trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt trước ngày 28/2/2015; phối hợp với WB nghiên cứu phương án quản trị rủi ro tỷ giá (hedging) báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

EVN khẩn trương thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty phát điện 3 (Genco 3), đồng thời lập kế hoạch cổ phần hóa 2 Tổng Công ty phát điện còn lại

Theo báo cáo của EVN, để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, giữa bối cảnh nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng trong nhiều năm qua, với tốc độ tăng từ 13%-15%/năm, EVN đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện.

Chỉ tính riêng trong năm 2013, giá trị đầu tư của EVN đã đạt hơn 100.000 tỷ đồng và năm 2014 dự kiến hơn 123.000 tỷ đồng.

Với những nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng, đến thời điểm hiện tại, EVN đã cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và có dự phòng.

Tuy nhiên, nhu cầu điện của Việt Nam từ nay đến năm 2020 và năm 2030 dự kiến còn tiếp tục tăng trên 10%, đặt EVN phải đối mặt với những thách thức rất lớn.

Hiện, EVN đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu xếp vốn, đặc biệt là các tổng công ty phát điện mới thành lập, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn hơn với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao, thậm chí trên 5 lần và khó có khả năng tự huy động vốn cho các dự án đầu tư mới.