Nga cấm vận kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ: Cần người “xuống thang” trước

Theo daibieunhandandan.vn

Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang khi Tổng thống Vladimir Putin quyết định áp dụng các biện pháp cấm vận kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.

 Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: AP
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Nguồn: AP

Nhưng theo giới phân tích, nếu tiếp tục trả đũa lẫn nhau thì cả hai bên sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng. Trong những trường hợp căng thẳng kiểu này, cần có một bên chịu lùi bước để tránh tổn thất cho cả hai.

Nga cứng rắn

Theo sắc lệnh Tổng thống được đăng trên trang web của Điện Kremlin đêm 28.11, các biện pháp cấm vận kinh tế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm sau.

Theo đó, Nga sẽ cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa cụ thể từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sắc lệnh cũng khuyến cáo các công ty du lịch Nga hạn chế bán tour đi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ngưng tất cả các chuyến bay thuê bao giữa hai nước.

Chế độ miễn visa của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không còn hiệu lực. Các doanh nghiệp Nga sẽ bị cấm ký hợp đồng mới người lao động Thổ Nhĩ Kỳ. Các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga sẽ bị tăng cường kiểm soát vì lý do an ninh. Sắc lệnh còn tuyên bố “các tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ bị hạn chế khả năng hoạt động ở Nga.

Danh sách các loại hàng hóa và các tổ chức công ty cụ thể bị ảnh hưởng sẽ do Nội các chuẩn bị và dự kiến công khai hôm nay, 30.11. Theo một nguồn tin từ Chính phủ Nga, các loại thực phẩm sẽ nằm trong danh sách trên.

Hiện Ankara chưa đưa ra bình luận chính thức nào, mà chỉ khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến Nga cho đến khi “tình hình trở nên rõ ràng”. Theo Reuters, một quan chức cao cấp Thổ Nhĩ Kỳ nhận định rằng hành động cấm vận của Nga chỉ làm cho quan hệ hai nước xấu thêm.

Trước khi sắc lệnh trên được công khai, Dmitry Peskov - người phát ngôn của Tổng thống Putin cho biết, Moscow luôn sẵn sàng đối mặt với tình trạng căng thẳng kéo dài, bao gồm cả thách thức chưa từng có tiền lệ từ Ankara.

Ông Putin đã được thông báo về đề nghị đối thoại bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tại Paris, nhưng không có ý kiến gì. Lệnh cấm vận đã một lần nữa cho thấy thái độ cứng rắn không nhượng bộ của Tổng thống Putin.

Điều Moscow yêu cầu rất rõ ràng: Ankara phải xin lỗi công khai, thừa nhận đã bắn rơi máy bay Nga trên không phận Syria. Trong khi đó, người Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi như yêu cầu.

Mặc dù Tổng thống Tayyip Erdogan đã có những động thái thiện chí nhằm tháo gỡ căng thẳng, như cho biết ông “rất buồn và hối tiếc” vì vụ máy bay Nga bị bắn rơi.

Đôi bên cùng bất lợi

Bất chấp những tuyên bố cứng rắn từ Nga, lệnh cấm vận nếu có hiệu lực sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Trước hết, một loạt thỏa thuận năng lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mới ký kết thời gian qua sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là kế hoạch thay thế cho dự án Dòng chảy Phương Nam vốn đi qua Ukraine.

Một dự án quan trọng khác nữa là công trình nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mersin, khởi công tháng 4 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Theo thỏa thuận được ký kết trong năm 2010, Nga sẽ tài trợ cho dự án này 22 tỷ USD và sau đó giữ vai trò vận hành nhà máy điện hạt nhân này. Khi lệnh cấm vận có hiệu lực, nhiều khả năng cả 2 dự án có tính chiến lược đối với cả 2 nền kinh tế đều sẽ bị gián đoạn.

Việc Nga hạn chế khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nước này, bởi hiện nay khách du lịch Nga chiếm hơn 12% trong tổng lượng khách du lịch đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hằng năm.

Trong năm 2014, khoảng 4,5 triệu lượt khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự việc máy bay chở khách Nga rơi tại Ai Cập, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự đoán về sự gia tăng đột biến khách Nga tới thổ Nhĩ Kỳ thay vì Ai Cập, nhưng với tình hình căng thẳng hiện nay thì điều này chắc chắn không xảy ra.

Trong khi đó, theo Hội đồng Du lịch thế giới (WTTC), ngành du lịch, một cách trực tiếp và không trực tiếp, đã thu về 96 tỷ USD cho GDP Thổ Nhĩ Kỳ. Ngành du lịch cũng giúp tạo việc làm cho 2,1 triệu lao động.

Tất nhiên, chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất sẽ là thương mại song phương. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ kinh tế quan trọng. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm 2014, theo số liệu thống kê ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị xuất khẩu sang Nga đạt 5,9 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu từ Nga lên tới 25,2 tỷ USD. Ankara thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh thương mại với Moscow, hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Putin hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã nhắc lại mục tiêu trên. Ngược lại, hàng hóa xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất quan trọng với người tiêu dùng Nga. Khoảng 20% rau quả nhập khẩu của Nga hiện do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Cắt đứt quan hệ thương mại với Ankara đồng nghĩa với việc Moscow sẽ phải nhanh chóng tìm đối tác thay thế xứng tầm. Cần nhớ rằng, sau khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga vì khủng hoảng Ukraine, Nga không có nhiều đối tác thương mại.

Nhìn chung, nền kinh tế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang không sẵn sàng cho một cú sốc mới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay, và thậm chí giảm sâu thêm 0,6% trong năm 2016, dưới tác động các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như giá dầu thấp.

Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử Nghị viện hồi tháng 6 đã khiến tốc độ tăng trưởng giảm mạnh chỉ còn 3,1% trong năm nay, theo dự đoán của IMF.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng Nga - Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể leo thang lên mức quân sự. Nếu Moscow và Ankara xảy ra xung đột quân sự, NATO cũng sẽ bị kéo vào.

Bởi vậy, hậu quả của những hành động quân sự khinh xuất là rất khó lường và cực kỳ nguy hiểm. Do đó, giới lãnh đạo hai bên sẽ kiềm chế ở mức hành động trả đũa ngoại giao và thương mại.

Tuy nhiên, càng để lâu, tổn thất với hai bên sẽ càng nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng bế tắc này, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một bên phải xuống thang trước.