Nga chống khủng hoảng kinh tế
(Tài chính) Chính phủ Nga vừa hoàn thiện gói các biện pháp kích thích kinh tế và chống khủng hoảng trị giá lên tới 21 tỷ USD. Đây là nỗ lực của Moscow nhằm đối phó với giai đoạn khó khăn của nền kinh tế , trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và ảnh hưởng từ việc giá dầu thế giới giảm mạnh.

Ngoài ra, Chính phủ Nga sẽ xây dựng một số chương trình hỗ trợ xuất khẩu. Kế hoạch chống khủng hoảng còn hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc... Phó thủ tướng Shuvalov nhấn mạnh, Chính phủ Nga đã nhất trí tất cả các biện pháp bình ổn kinh tế, chỉ còn phải tính toán chi phí và mức thâm hụt ngân sách liên bang. Dự báo, thâm hụt ngân sách của Nga năm 2015 sẽ cao hơn mức 0,5% năm 2014, nhưng sẽ thấp hơn mức khủng hoảng 5,9% năm 2009.
Moscow đưa ra kế hoạch cứu trợ nền kinh tế này trong bối cảnh nền kinh tế Nga được dự báo khá ảm đạm, do chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự sụt giảm mạnh của giá dầu mỏ trên thị trường thế giới. Trả lời giới truyền thông về kết quả hoạt động của Chính phủ trong năm 2014, Thủ tướng Dmitry Medvedev thừa nhận, nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng và việc đồng ruble mất giá hiện nay là hoàn toàn không có lợi.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đã phối hợp thực hiện các biện pháp và thỏa thuận với các nhà xuất khẩu lớn để các tập đoàn này cung cấp nguồn ngoại tệ thu được cho nhà nước, giúp Moscow thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nước ngoài, thay vì bán ra thị trường.
Kế hoạch cứu trợ chống khủng hoảng của Chính phủ là bước đi hiện thực hóa các cam kết của Tổng thống Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang mới đây liên quan tới các cải cách kinh tế. Trong bối cảnh Nga đang hứng nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra loạt biện pháp cụ thể nhằm kích thích sản xuất trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp, như tăng mua sắm công từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, thành lập trung tâm điều phối tìm kiếm các đơn hàng lớn về cho các doanh nghiệp Nga. Trong đó, việc triển khai chương trình thay thế nhập khẩu một cách hợp lý được ông Putin coi là ưu tiên dài hạn của Nga.
Theo các chuyên gia, các biện pháp chống khủng hoảng trong nền kinh tế sẽ không phát huy tác dụng, nếu Nga và phương Tây không có những bước đi tích cực hướng tới hòa giải quan hệ. Các chuyên gia cho hay, các nước châu Âu không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga, do giữa hai bên tồn tại các liên kết hợp tác kinh tế - thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau.
Trên thực tế, một số nước châu Âu còn phụ thuộc vào Nga nhiều hơn Moscow phụ thuộc vào những nước này. Hàng triệu gia đình châu Âu được sưởi ấm bởi khí đốt của Nga. Trong số những người giàu nhất ở Đức, có hơn 300.000 người hoặc hưởng lương trực tiếp hoặc có những hợp đồng thương mại với Nga. Thêm vào đó, ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga thêm trầm trọng.