Ngăn chặn nạn “tín dụng đen”
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân, đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như: công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ... dẫn tới tình hình tội phạm “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất.
Vòng xoáy “tín dụng đen”
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”. Với nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ đầu năm 2020, qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng…
Theo Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó trưởng Phòng Trọng án (Cục Cảnh sát hình sự), những hệ lụy từ tín dụng đen là vô cùng to lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người dân khi bị cuốn vào vòng xoáy tín dụng đen. Điển hình như những vụ việc, ngày 26/4/2021, tại ki-ốt Kp 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, Nguyễn Văn Huy (32 tuổi, quê Bình Dương), Thạch Nhựt Phong (19 tuổi, quê Kiên Giang), Nguyễn Văn Nhí (30 tuổi, quê Sóc Trăng) và Hồ Đại Sơn (25 tuổi, quê Nghệ An) đòi nợ và đánh anh Nguyễn Tấn Đạt (37 tuổi, quê Kiên Giang) tử vong.
Ngày 4/6/2021, Trần Thị Thắm (trú tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thuê bốn đối tượng để đòi nợ 4,4 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Nhất Thắng (trú tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk). Các đối tượng đã bắt giữ anh Thắng, đưa đi nhiều nơi, đánh đập, đe dọa đưa anh Thắng ra nước ngoài thủ tiêu (Công an tỉnh Đắk Lắk đã giải cứu anh Thắng)…
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh - trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Ngoài hoàn thiện khung khổ pháp lý thì để ngăn chặn tình trạng này, cần tuyên truyền, nhận diện cụ thể về “tín dụng đen” cho đông đảo người dân, đặc biệt là các đối tượng yếm thế trong xã hội.
Mở rộng các kênh tín dụng tiêu dùng, ưu đãi
Bà Hà Thu Giang - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô-tô chuyên dụng...
Đặc biệt, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp, đến cuối tháng 9/2021, đã có hơn 609.000 lượt khách hàng vay vốn theo chương trình, doanh số cho vay đạt hơn 45.400 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 1.950 tỷ đồng.
Là công ty tài chính tiêu dùng hiện chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, trong 11 năm qua, kể từ khi thành lập, FE CREDIT đã thu hút hơn 12 triệu khách hàng Việt Nam. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện FE CREDIT cho biết, FE CREDIT tiếp tục phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong bối cảnh người dân đang cần động lực vốn để hồi phục kinh tế và đời sống sau dịch bệnh, đồng thời góp phần vào cuộc chiến đẩy lùi “tín dụng đen”.
Theo bà Hà Thu Giang, đến cuối tháng 10/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 9,99 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) đạt hơn 2,48 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm hơn 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so cuối năm 2020 và tăng 32,8% so thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỷ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 55% so cuối năm 2020, tăng 9,55% so cuối năm 2018 và tăng 5,4% so thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%.