Ngăn chặn nhũng nhiễu, thất thoát trong đấu giá tài sản


Cần sửa đổi, bổ sung các quy định để hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối hoạt động đấu giá… là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra khi góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đề xuất, tăng tiền đặt cọc để hạn chế “cò” đấu giá. Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến đề xuất, tăng tiền đặt cọc để hạn chế “cò” đấu giá. Ảnh minh họa

Tăng tiền đặt cọc để hạn chế “cò” đấu giá

Vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm, người trúng đấu giá biển số xe “siêu đẹp” bỏ cọc hay vụ đấu giá một số mỏ cát cao bất thường ở Hà Nội được nhiều ĐBQH nhắc đến trong phiên thảo luận. Để ngăn chặn tình trạng trên, một số đại biểu đề nghị nâng mức tiền đặt trước lên tối thiểu 20% giá trị tài sản; đồng thời xây dựng chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi bỏ cọc đấu giá, cấm tham gia đấu giá ở các lần tiếp theo…

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), việc sửa đổi bổ sung quy định tiền đặt trước và xử lý số tiền đặt trước là rất cần thiết để tránh lợi dụng tham gia đấu giá không nhằm mục đích gì, hoặc thông đồng thoả thuận với nhau để trả giá thấp, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Liên quan đến nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Hoà chỉ ra thực tế cho thấy đã có nhiều người trúng đấu giá, chấp nhận bỏ tiền cọc mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính, làm lũng đoạn cuộc đấu giá, gây dư luận không tốt. Để ngăn chặn tình trạng này, đại biểu đề nghị cần có biện pháp như: Nâng mức tiền cọc cao hơn so với hiện hành hoặc có chế tài xử phạt vi phạm hành chính với người bỏ cọc, không cho đối tượng này tham gia các kỳ đấu giá sau.

Theo lẽ thường, người mua thì phải chuẩn bị tiền, nếu mua được thì phải trả ngay; mua được nhưng trả sau, không trả thì phải đợi đến 6 tháng sau Nhà nước mới hủy được kết quả, thực sự là không phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, cần tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn để tránh tình trạng đối tượng “cò” tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất. “Dự thảo Luật đang quy định số tiền đặt cọc là từ 5-10% giá trị tài sản. Tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20%, số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy, những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng “cò” sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn” - đại biểu Nga nêu ý kiến.

Trong khi đó, đại biểu Lê Tất Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm. Tuy nhiên, nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá, do vậy, nên quy định một chế tài phạt hợp đồng. “Có thể nâng lên từ 30-50% để phạt hợp đồng đối với những người trúng đấu giá nhưng đơn phương hủy hợp đồng để đảm bảo cho việc hoạt động đấu giá được lành mạnh” - đại biểu Lê Tất Hiếu đề xuất.

“Siết” điều kiện người tham gia đấu giá

Nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản lần này là hết sức cần thiết, góp phần ngăn chặn nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, lạm dụng, gây mất an ninh trật tự và thất thoát ngân sách trong lĩnh vực này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là vấn đề phổ biến. Luật Đấu giá tài sản hiện hành, không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá. Điều này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ”, nhiều trường hợp dựa hoàn toàn vào bảo lãnh của ngân hàng; hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc hoặc trúng đấu giá xong, triển khai dự án rất chậm trễ…

“Trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính, vốn thực có của người tham gia đấu giá”- đại biểu nêu thực tế và đề nghị cần kiểm soát được nguồn tài chính, nguồn vốn công khai, minh bạch của người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn lực tài chính không minh bạch để tham gia đấu giá, hay việc liên kết nhận ủy quyền tham gia đấu giá trả giá cho bên thứ hai, thứ ba vào Dự thảo Luật; từ đó khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch.

Đề cập đến quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) chỉ ra thực tế, theo quy định hiện hành, thời hạn nộp tiền sử dụng đất của các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất đang được các địa phương áp dụng là 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế. Thời hạn để cơ quan có thẩm quyền hủy quyết định trúng đấu giá khi người đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền theo kết quả trúng đấu giá là 120 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. “Việc áp dụng thời hạn nộp tiền, thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá quá dài như hiện nay cũng tạo cơ hội cho các hành vi muốn nâng giá để lũng đoạn, trục lợi. Quy định như vậy không phù hợp với quan hệ mua - bán của đấu giá”.

Đại biểu Thịnh đề xuất bổ sung quy định người có tài sản là quyền sử dụng đất có quyền quyết định thời hạn người trúng đấu giá phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính và thời hạn hủy kết quả trúng đấu giá; được quy định công khai tại quyết định phê duyệt giá khởi điểm hoặc phương án đấu giá quyền sử dụng đất.

Để ngăn chặn tình trạng người tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt như: Muốn phá cuộc đấu giá để đấu giá không thành hoặc để thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới…, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) đề xuất bổ sung quy định người tham gia đấu giá trúng đấu giá và sau thời gian nhất định mà không nộp tiền mua tài sản và không chứng minh được vì lý do bất khả kháng thì ngoài việc bị mất tiền đặt trước còn phải bị nộp phạt thêm./.

Theo Báo Kiểm toán