Ngăn chặn thông đồng, dìm giá trong đấu giá
Chỉ ra tình trạng thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá ngày càng tinh vi, phức tạp, các đại biểu Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) cần có những quy định chặt chẽ, minh bạch để ngăn chặn tình trạng này.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) tại phiên thảo luận sáng 28/11, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (Đoàn TP. Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.
Đặc biệt, báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra tình trạng thông đồng dìm giá, quân xanh, quân đỏ, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện và chỉ có thể có sự vào cuộc của cơ quan công an bằng các biện pháp nghiệp vụ thì mới phát hiện ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị, khi sửa đổi Luật Đấu giá tài sản cần có các quy định chặt chẽ để xử lý vấn đề này.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của Dự thảo Luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắk Kạn) phân tích, Dự thảo Luật quy định nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá chậm nhất trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày. Như vậy, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá là 15 ngày trước ngày đấu giá cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước ngày đấu giá là một khoảng thời gian tương đối dài; có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng thỏa thuận với nhau, tạo cơn sốt thị trường ảo, khó kiểm soát và dìm giá.
Để hạn chế việc thông đồng, tình trạng hồ sơ ảo, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng tất cả các trường hợp đấu giá không phụ thuộc loại tài sản cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước. Trường hợp khi thẩm định xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước, thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau. Như vậy, sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan trong quá trình tham gia đấu giá
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình), thực tiễn thi hành pháp luật về đấu giá tài sản cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm xảy ra. Đại biểu đề nghị xem xét quy định việc xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm việc công bố đăng tải thông báo về việc đấu giá tài sản trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia, như: thông đồng, cố ý, cố tình không công bố của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đấu giá tài sản.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn, như mức bồi thường cụ thể bằng tiền có giá trị cao đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên như: Thông đồng, móc nối, dìm giá để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm dẫn đến sai lệch thông tin kết quả đấu giá tài sản cùng với quy định về việc hủy kết quả đấu giá, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có).
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quy định cụ thể hơn về việc nhận ủy quyền tham gia đấu giá tài sản, để tránh việc thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội đề cập, đại diện Cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, các quy định đang theo hướng công khai, minh bạch các thủ tục; quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, vấn đề thông báo; trình tự, thủ tục và quy trình xem xét, xét duyệt giá, kể cả bổ sung trường hợp tham gia đăng ký đấu giá mà không trả giá thì mất tiền đặt trước...