Ngân hàng bán lẻ không còn "kiếm bạc lẻ"

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang xuống thấp và ngân hàng phải tìm cách tăng tỷ suất sinh lời, hiện nay đã có hơn 90% ngân hàng thương mại xây dựng chiến lược ngân hàng bán lẻ. Với tiềm năng từ thị trường tiêu dùng cá nhân, ngân hàng bán lẻ đang trở thành xu thế và không chỉ còn "kiếm bạc lẻ" như trước đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo các chuyên gia, chỉ cần nhìn vào số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thế giới đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam và sẵn sàng chi trả một khoảng phí trả trước rất lớn để trở thành đối tác độc quyền bán bảo hiểm với ngân hàng cũng đủ thấy thị trường bán lẻ tại Việt Nam “màu mỡ” cỡ nào.

“Miếng bánh” béo bở

Tại talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của ngành ngân hàng", ông Daniel Tabbush - Sáng lập viên Tabbush Report, nhận xét mảng bán lẻ tại Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn sơ khai và tiềm năng còn rất lớn. Với những ngân hàng có sự chuyển dịch sớm đang gặt hái “trái ngọt” ghi nhận tỷ suất sinh lợi tốt hơn, nguồn thu nhập ổn định. Cùng với đó, giảm rủi ro cho tổng dư nợ tín dụng.

Đồng tình, bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc Bộ phận Phân tích Dragon Capital cho rằng trong giai đoạn này, nếu ngân hàng nào không dịch chuyển sang mảng bán lẻ thì sẽ tụt lại phía sau. Bà Dương đưa ra dẫn chứng: Hiện, tổng cho vay hộ gia đình/GDP tại Việt Nam chiếm khoảng 30%, so với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia... là khá thấp. Hơn nữa, các sản phẩm cho vay khách hàng cá nhân ở Việt Nam như bảo hiểm qua ngân hàng, mua nhà, thẻ tín dụng... có tỷ lệ lan toả thấp. Ví dụ như thẻ tín dụng chỉ có 8-10% tổng dân số, trong khi các nước khác đã lên 40%, thậm chí tại Singapore lên tới 95%.

"Điều này cho thấy mảng bán lẻ vẫn còn tiềm năng rất lớn đang chờ các ngân hàng thương mại khai thác", bà Dương cho hay.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, top đầu đẩy mạnh khai thác mảng bán lẻ hiện nay phải kể đến VIB, VPBank, TPBank… khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng này tăng hơn trên 50%. Điển hình, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ luỹ kế đến cuối quý III/2021 của VIB đạt gần 6.254 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu nhập hoạt động và tăng 34% so với cùng kỳ. Tương tự, thu lãi thuần từ dịch vụ trong 3 quý đầu năm 2021 của TPBank đã tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thu dịch vụ từ hoạt động thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Thực tế, vài năm trở lại đây không chỉ có nhóm ngân hàng tư nhân mà các ngân hàng quốc doanh cũng tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ. Vietcombank sau 2 năm đẩy mạnh, cũng đưa tỷ lệ dư nợ bán lẻ liên tục tăng, chiếm trên 54% cơ cấu. BIDV sau khi có sự tham gia của KEB Hana Bank cũng đang thúc đẩy chuyển đổi và tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ.

Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, lãi thu từ hoạt động dịch vụ được xem là “cứu cánh” cho tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhà băng. Điển hình, tại VIB, tỷ trọng bán lẻ hiện nay chiếm 70% lợi nhuận. Tuy nhiên, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB cho biết, lợi nhuận của VIB không chỉ phản ánh tình hình kinh doanh năm nay, mà là kết quả của cả quá trình từ năm 2016 khi ngân hàng chuyển đổi sang ngân hàng bán lẻ.

Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng

Theo các chuyên gia, để chuyển dịch sang ngân hàng bán lẻ, không có con đường nào khác là ngân hàng số hoá. Chia sẻ câu chuyện số hoá để trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại VIB, bà Hương cho biết, nhờ tập trung vào mảng bán lẻ mà tỷ lệ khách hàng thế hệ Gen Y (Millennials) và GenZ của VIB năm 2016 khoảng 30%, đến năm 2021 gần 65%, dự định trong 3-5 năm nữa,chiếm trên 85%.

“Để đạt được mục tiêu này, VIB phải trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, chúng tôi xác định đón đầu thế hệ trẻ. Vì vậy, VIB đã đầu tư rất mạnh mẽ vào ngân hàng số, từ nền tảng bán hàng đến cấu trúc sản phẩm. Hiện nay, tất cả dịch vụ của VIB đều thực hiện online như: vay vốn, mua bảo hiểm, mở tài khoản.... Cùng với đó, ngân hàng nói không với giấy tờ, chỉ trừ những quy định của NHNN không thể bỏ. Vì vậy, trong mùa dịch, VIB không gặp khó khăn trong quá trình giao dịch với khách hàng, hoạt động của ngân hàng vẫn diễn ra bình thường”, bà Hương chia sẻ.

Giới chuyên gia nhận định, lãi suất huy động đang xuống thấp nên các ngân hàng phải tìm cách kiếm lời và gia tăng tỷ suất sinh lời. Do đó, xu hướng đa kênh từ ngân hàng điện tử, di động, chăm sóc khách hàng là chiến lược mà nhiều ngân hàng sẽ đầu tư mạnh.

Thực tế, hiện nay, nhiều nhà băng vẫn đẩy mạnh mở rộng mạng lưới giao dịch trong mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, ông Daniel Tabbush nhìn nhận, mô hình chi nhánh truyền thống sẽ không còn thích hợp, thay vào đó các ngân hàng hiện đại đang xây dựng mạng lưới công nghệ gồm nhiều dạng khác nhau. “Có nhiều ngân hàng như VPBank, VIB, ACB, MSB... ghi nhận biên độ lãi cao so với những ngân hàng trong khu vực, mặc dù những ngân hàng này có chi nhánh ít nhưng bù lại phát triển về ngân hàng số. Vì vậy, tỷ suất sinh lời vẫn cao”, ông Daniel Tabbush nhận xét.

Theo NHNN chi nhánh các tỉnh thành phố, trong vài năm trở lại đây, số lượng điểm giao dịch của ngân hàng thương mại chỉ tăng nhẹ chứ không bùng nổ như 10 năm trước.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho biết, việc mở rộng chi nhánh những năm trước đây như một cách hiện diện thương hiệu khi ngân hàng mới thành lập. Nhưng gần đây, ngoài việc không có thêm ngân hàng nào mở mới và xu hướng số hóa, tập trung vào mảng bán lẻ cũng khiến giao dịch online trở nên phổ biến khiến ngân hàng giảm nhu cầu mở thêm điểm giao dịch.