Ngân hàng cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp

Anh Thư

Để tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng trong thời gian tới

Trong quý I/2020 và từ đầu tháng 4/2020, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đồng loạt  giảm lãi suất cho vay tối đa 2,5%/năm so với biểu lãi suất thông thường, nhất là với những lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Có thể kể đến VIB - ngân hàng tiên phong công bố hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, bắt đầu từ 1/4/2020. Cụ thể, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp (DN) lớn, DN vừa và nhỏ và DN siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực.

Ngân hàng Agribank dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 01/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, từ ngày 10/4/2020, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai Gói ưu đãi 26.000 tỷ đồng “Cho vay VND lãi suất cạnh tranh năm 2020” dành cho DN nhỏ và vừa (khách hàng SME). Đối với tín dụng ngắn hạn, mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. Đối với tín dụng trung dài hạn, mức lãi suất ưu đãi từ 7,0%/năm.

Động thái giảm lãi suất cho vay được các NHTM đưa ra sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN (ngày 31/3 /2020) về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Ngày 22/4/2020, tại Hội nghị trực tuyến với tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước, NHNN đã công bố kết quả triển khai chương trình hỗ trợ người dân và các DN bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đến trung tuần tháng 4/2020. Công bố của NHNN cho thấy, các tổ chức tín dụng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng, trong đó, số lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng…

Gói tín dụng mà ngành Ngân hàng đang triển khai để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 300.000 tỷ đồng. Động thái của NHNN và các TCTD được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì khả năng hấp thụ vốn các DN hiện nay là rất yếu.

Theo NHNN, đến giữa tháng 4, tín dụng của toàn nền kinh tế mới chỉ tăng 0,78%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 3,18%. Điều này cho thấy, lãi suất cho vay rẻ, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh thì ngân hàng cũng không dễ đưa vốn ra.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện đang kiểm soát dịch Covid-19 tốt và khi công bố hết dịch, kinh tế sẽ phục hồi trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ khởi sắc. Nhu cầu vay vốn của DN, cá nhân trong thời gian tới sẽ tăng.

Để triển khai hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, NHNN yêu cầu các TCTD cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay; chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay cũng như sau khi dịch kết thúc…