Ngân hàng giảm phí, giao dịch trực tuyến tăng tích cực
Giãn cách xã hội thời Covid-19 khiến nhiều giao dịch trực tiếp của con người phải cắt giảm đi, song giao dịch online lại lên ngôi. Trong hơn hai tháng kể từ khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, lĩnh vực thanh toán đang có sự thay đổi khá lớn và người dân đang có xu hướng chuộng thanh toán trực tuyến hơn.
Đơn cử việc đi chợ của mỗi gia đình. Mặc dù các cửa hàng thiết yếu vẫn được phép hoạt động, nhưng người dân đang có xu hướng chuyển dần sang “đi chợ online” vì nhanh, tiện lợi, hàng hoá được vận chuyển tới tận cửa nhà mà vẫn đảm bảo đầy đủ yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, nếu như trước đây việc mua sắm trực tuyến đòi hỏi người dùng phải chuyển qua lại giữa nhiều ứng dụng thương mại điện tử; thì giờ đây ngân hàng đã tích hợp “việc đi chợ” ngay trên ứng dụng ngân hàng số của mình, giúp những bà nội trợ có thể dễ dàng sử dụng hơn. Như ở BIDV, ngay trên BIDV Smart Banking đã tích hợp thêm tính năng Vinmart Online, hiện đang áp dụng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Không chỉ vậy, hiện các ngân hàng đồng loạt miễn giảm phí thanh toán càng khuyến khích các giao dịch mua hàng online của người dân, DN. Chẳng hạn cuối tuần qua, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp với Vietcombank triển khai chương trình giảm phí cho các DN kinh doanh dịch vụ vận tải do ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, từ nay đến 31/12/2020, NAPAS sẽ thực hiện miễn phí xử lý giao dịch và phối hợp Vietcombank giảm lên đến 35% phí thanh toán cho cả hai dịch vụ Cổng thanh toán điện tử và dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ. Đây là chương trình giảm phí dịch vụ lần thứ 3 trong năm 2020 của NAPAS nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với DN.
Trước đó, NAPAS đã cùng với các NHTM triển khai liên tiếp hai chương trình miễn giảm phí chuyển mạch năm 2020 khi miễn phí dịch vụ công và miễn/giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500 ngàn đồng trở xuống đến hết 31/12; miễn giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch trên 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng cho tới hết 31/12.
Có thể nói, nhằm hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, bên cạnh các chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai quyết liệt chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán và dịch vụ thông tin tín dụng, tạo thêm cơ sở để các TCTD giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng. Các nhà băng cũng đang gia tăng những ưu đãi cho khách hàng khi giao dịch qua kênh số.
Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng, việc khách hàng chuyển sang giao dịch online vốn là xu hướng tất yếu, nhưng chính tác động của Covid-19 lại khiến cho xu hướng này được đẩy nhanh hơn, và khi ngân hàng có thêm điều kiện giảm phí dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là qua các kênh online cũng khiến cho giao dịch thanh toán trực tuyến ghi nhận những kết quả tích cực hơn.
Theo thông tin từ NAPAS, tính từ sau Tết Nguyên đán tới giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) qua NAPAS tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.
Đơn cử như tại VietinBank, đối với phí dịch vụ, nhà băng này giảm phí chuyển tiền trên tất cả các kênh như giảm tới 22% phí chuyển tiền liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị từ 2 triệu đồng trở xuống qua NAPAS trên iPay Mobile, giảm tới trên 10% phí cho các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và tiếp tục miễn phí chuyển khoản trong hệ thống cho toàn bộ khách hàng giao dịch iPay. Phía VietinBank cũng thông tin, tính đến hết tháng 3/2020, tiền gửi online của khách hàng bán lẻ đã tăng trưởng 34% so với 31/12/2019.
Hay ở VPBank, ngân hàng này tăng những ưu đãi cho khách hàng sử dụng Internet Banking, ứng dụng VPBank Online bao gồm miễn phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng đối với tất cả giao dịch, tặng lãi suất đến 0,2% cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến ở hầu hết các kỳ hạn. Tính tới hết tháng 3/2020, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa của VPBank tăng 25%, số lượng giao dịch trực tuyến tăng 50% so với cùng kỳ.
Số lượng và giá trị giao dịch trực tuyến tại MB cũng tăng bình quân khoảng 26%/tháng so với trước đó. Tại VIB số lượng thẻ tín dụng mở mới và giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng tăng lần lượt 63% và 43%. Tới hết quý I/2020, số lượng và giá trị giao dịch qua Internet Banking và ứng dụng MyVIB của nhà băng này ghi nhận con số ấn tượng với mức tăng 140% về số lượng và 116% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Đại diện Sacombank cũng thông tin, tỷ trọng và giá trị giao dịch qua ngân hàng điện tử đều tăng trong 3 tháng qua, tỷ trọng tăng bình quân khoảng 5% kể từ khi ngân hàng giảm phí; tỷ trọng giao dịch online tăng khoảng 21% với giao dịch dưới 500 ngàn đồng và tăng 16% với giao dịch có giá trị dưới 2 triệu đồng...
Theo một chuyên gia ngân hàng, thanh toán nói chung, và thanh toán số nói riêng là cửa ngõ để khách hàng tiếp cận các dịch vụ khác của ngân hàng như cho vay/thẻ tín dụng, tài khoản tiết kiệm, ngoại hối... “Khi chúng ta đã có thể trả tiền điện, tiền nước, tiền Internet, đi chợ, mua sắm... trên ứng dụng kênh số của ngân hàng một cách quá dễ dàng, thì tôi tin chắc chẳng mấy ai muốn quay lại việc thanh toán truyền thống cả. Và khi giá dịch vụ được giảm nữa, thì khách hàng sẽ biết lựa chọn giao dịch online hay offline có lợi hơn cho họ. TTKDTM tăng nhanh và ngân hàng cũng thêm cơ hội phát triển các kênh số hóa của mình”, vị chuyên gia này chia sẻ.