Ngân hàng chạy đua 'bơm' tín dụng xanh
Tín dụng cho vay những lĩnh vực thân thiện với môi trường là cuộc đua đang trên đà tăng tốc của các ngân hàng trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, các ngân hàng đang bỏ lỡ cơ hội nhận được các khoản đầu tư dự án xanh do các tiêu chí đánh giá và danh mục dự án xanh chưa đầy đủ, đồng thời ngân hàng gặp khó khăn về lựa chọn, đánh giá, giám sát trong quá trình cấp tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, xanh hóa nền kinh tế đang là xu hướng toàn cầu và ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự quốc tế, nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ tăng trưởng kinh tế đến môi trường và xã hội.
Tại Việt Nam, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Nhà băng nhập cuộc tín dụng xanh
Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã hòa vào làn sóng xanh hóa trên toàn cầu, cũng như thực hiện theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Nhiều ngân hàng thương mại không chỉ tích cực cho vay các dự án “xanh” mà ngày càng mở rộng quy mô tín dụng xanh thông qua việc huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài.
Chẳng hạn như SHB, nhà băng này cho biết sẽ tập trung tài trợ vốn cho các dự án/phương án sản xuất kinh doanh thuộc 11 lĩnh vực xanh: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo - năng lượng sạch, tái chế tái sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên và phòng chống thiên tai…
Nhờ những chiến lược phát triển đồng bộ, tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh tại SHB chiếm gần 10% tổng dư nợ, có xu hướng tăng trưởng ngày càng cao và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Từ năm 2018 đến nay, dư nợ tài trợ của SHB cho các dự án xanh tăng trưởng gần 150%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng của tổng dư nợ tín dụng là 70%.
Hay như HDBank, trong năm 2022, ngân hàng này đã giải ngân hơn 11.000 tỷ đồng cho hạng mục tín dụng xanh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mức độ nhận thức của các ngân hàng trong việc thúc đẩy nguồn vốn tín dụng xanh đã tăng đáng kể trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng báo cáo về mức tín dụng xanh với quy mô khiêm tốn, nhưng hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm.
TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì dòng vốn huy động vẫn còn thấp hơn rất nhiều.
Theo bà Từ Thị Kim Thanh, thành viên Hội đồng thành viên Agribank, các tiêu chí đánh giá và danh mục dự án xanh chưa đầy đủ nên các ngân hàng thương mại còn gặp khó khăn trong việc xác định đâu là các dự án hay hạng mục dự án đáp ứng được các tiêu chí sàng lọc, tiêu chí ngưỡng, tiêu chí môi trường cụ thể để có thể huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ tín dụng xanh. Do đó, các ngân hàng thương mại bị bỏ lỡ nhiều cơ hội nhận các khoản đầu tư.
Trong khi đó, vốn ODA vào Việt Nam có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn 2012-2021, nguồn tài chính phát triển quốc tế cho chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Việt Nam khoảng 2,26 tỷ USD mỗi năm, trong đó có khoảng 39% là dành cho các hoạt động chống chịu, 49% cho các hoạt động giảm nhẹ, 12% cho các hoạt động đồng lợi ích. Còn hiện nay, trong các dự báo vĩ mô, Chính phủ không kỳ vọng ODA sẽ tăng đáng kể, trung bình chỉ khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025.
Thách thức tìm nguồn vốn xanh
Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt Net Zero. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 còn khá khiêm tốn, đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Do đó, việc tìm nguồn vốn cho phát triển xanh là thách thức không nhỏ.
"Chúng ta hay nói là lấy nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh sẽ rẻ hơn, nhưng thực tế hiện tại không còn rẻ nữa. Thậm chí, nguồn vốn trong nước hiện còn rẻ hơn quốc tế. Lãi suất của Mỹ, các nước châu Âu đang ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay. Tuy nhiên, nguồn vốn từ định chế tài chính quốc tế vẫn quan trọng trong lâu dài để tiến đến trái phiếu xanh, tín dụng xanh", ông Nam nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện SHB cho biết, Ngân hàng đã hợp tác với các đối tác quốc tế như WB, IFC, ADB, KfW… từ rất sớm, và hiện đang tiếp tục tăng cường hợp tác để tìm kiếm nguồn vốn trung dài hạn ưu đãi, đồng thời tư vấn về an toàn, kỹ thuật nhằm hỗ trợ cho khách hàng và SHB trong việc thực hiện, tài trợ có hiệu quả các dự án.
Liên quan đến nguồn vốn phát triển dự án xanh, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn Ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ: "Với vị thế ngân hàng toàn cầu, HSBC có những tham vọng lớn với phát triển xanh. Sau khi Thủ tướng công bố tại COP 26, HSBC đã cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững cho Việt Nam, hiện tại đã thu xếp được 2 tỷ USD.
Ngoài trực tiếp thu xếp vốn cho các dự án, HSBC cũng đồng hành với khách hàng trong chuyển đổi xanh, giúp họ chuyển đổi công nghệ, xây dựng các khung chính sách. Năm 2021, HSBC đã làm việc với Vingroup xây dựng khung tài trợ xanh, thu xếp trái phiếu chuyển đổi bền vững đầu tiên.
Theo các chuyên gia, các khoản cho vay tín dụng xanh thường là các khoản cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng giảm về 30% cũng là vấn đề khó khăn cho các ngân hàng muốn mở rộng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực xanh.
Trong khi đó, ông Trần Hoài Phương - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho rằng không nhất thiết cho vay tín dụng xanh là vốn trung và dài hạn, dù đúng là nhiều dự án xanh cần nguồn vốn trung và dài hạn. Cũng có nhiều trường hợp, chẳng hạn như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay xuất khẩu vay vốn ngắn hạn.
"Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược quản lý rủi ro và phân bổ nguồn vốn của ngân hàng sẽ càng quan trọng", ông Phương nói.