Ngân hàng chiếm gần 90% các giao dịch đáng ngờ
Sáng ngày 17/5/2019, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và Kế hoạch hành động, giải quyết rủi ro tại điểm cầu trung tâm Hà Nội và 62 điểm cầu tại NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo báo cáo của NHNN, về nguy cơ rửa tiền theo lĩnh vực, 3 lĩnh vực được đánh giá nguy cơ cao là ngân hàng, bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức của đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ. Riêng hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá có nguy cơ rửa tiền cao, mức độ tổn thương về rửa tiền cao, mức độ rủi ro rửa tiền cao.
Lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.
"Mặc dù phải khẳng định rằng không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng "tiền bẩn" trên thành "tiền sạch" là cao hơn", báo cáo cho biết.
Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế. Theo đó, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.
Đối với lĩnh vực BĐS, là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Với các phân tích liên quan đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là cao.
Lĩnh vực đại lý chuyển và thu đổi ngoại tệ, đối với kênh chuyển tiền chính thức: Thủ tục chuyển tiền quốc tế qua các công ty kiều hối thường đơn giản hơn các ngân hàng, hồ sơ chứng minh mục đích chuyển tiền đơn giản hơn hoặc không cần cung cấp, mức phí thấp hơn. Điều này dễ tạo ra nguy cơ rửa tiền.Căn cứ vào các yếu tố được phân tích cho thấy nguy cơ rửa tiền đối với lĩnh vực chuyển và thu đổi ngoại tệ qua kênh chính thức là trung bình cao.
Trong khi đó, kênh chuyển tiền phi chính thức với những lợi ích vượt trội về phí chuyển tiền, tính tiện lợi, không phải chứng minh mục đích chuyển tiền, tính đơn giản về thủ tục… so với các kênh chuyển tiền chính thức, các kênh chuyển tiền phi chính thức (chuyển tiền ngầm) cũng được sử dụng để chuyển kiều hối về Việt Nam. So với các kênh chuyển tiền chính thức, các kênh chuyển tiền ngầm này tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền cao hơn.